Bài viết Vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

Nói về vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, trong bài viết này, tác giả đã đưa ra và luận giải ba vấn đề có tính thời sự, song cũng rất phức tạp, đòi hỏi phải được tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu. Ba vấn đề đó là: 1) Vấn đề thiết kế mô hình cụ thể Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2) Vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước. 3) Vấn đề tạo lập những điều kiện, cơ sở cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

doc79 trang | Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 2348 | Lượt tải: 4download
Bạn đang xem trước 20 trang nội dung tài liệu Bài viết Vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Triết học số 4 (203) năm 2008 VẤN ĐỀ XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY TRẦN THÀNH (*) Nói về vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, trong bài viết này, tác giả đã đưa ra và luận giải ba vấn đề có tính thời sự, song cũng rất phức tạp, đòi hỏi phải được tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu. Ba vấn đề đó là: 1) Vấn đề thiết kế mô hình cụ thể Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2) Vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước. 3) Vấn đề tạo lập những điều kiện, cơ sở cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng là bước đột phá trong đổi mới tư duy chính trị của Đảng ta, đánh một dấu mốc quan trọng trong đổi mới hệ thống chính trị nói chung, đổi mới Nhà nước ở nước ta nói riêng. Khi chủ nghĩa xã hội bước vào cải tổ, cải cách, đổi mới, một số nhà lý luận, chính trị gia xã hội chủ nghĩa đã đề xuất xây dựng mô hình nhà nước pháp quyền. Đề xuất này đã làm nảy sinh những ý kiến chỉ trích, phản ứng từ không ít người. Khi đồng nhất nhà nước pháp quyền với nhà nước tư sản, một số người đã cho rằng, xây dựng nhà nước pháp quyền là từ bỏ chủ nghĩa xã hội. Có người lại coi việc xây dựng nhà nước pháp quyền là thừa nhận sự phân lập các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, mà quyền lực của Nhà nước xã hội chủ nghĩa là thống nhất, không phân chia, và do vậy, không phù hợp. Cũng có người đặt vấn đề, khi đề cập tới nhà nước kiểu mới, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin không hề nói tới nhà nước pháp quyền và do vậy, xây dựng nhà nước pháp quyền trong chủ nghĩa xã hội là không theo quan điểm của các nhà kinh điển, v.v.. Từ một phía khác, có ý kiến lại cho rằng, trong nhà nước pháp quyền, mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, đó là nhà nước của dân, do dân, vì dân và do vậy, không cần phải phân biệt nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với nhà nước pháp quyền tư bản chủ nghĩa nữa. Sự xuất hiện những ý kiến như vậy trong giai đoạn đầu cải tổ, cải cách, đổi mới ở các nước xã hội chủ nghĩa cũng là điều dễ hiểu. Một mặt, vấn đề nhà nước pháp quyền tuy không phải là mới, nhưng phải nói rằng, trước đây, ở các nước xã hội chủ nghĩa, vấn đề này chưa được quan tâm nghiên cứu một cách đúng mức. Sự chuẩn bị về mặt lý luận để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mới chỉ là bước đầu, chưa có sự chín muồi cần thiết, những ý kiến đề xuất mô hình nhà nước pháp quyền vẫn chỉ trên sách báo. Mặt khác, đổi mới tư duy lý luận, tư duy chính trị đòi hỏi cũng phải có thời gian. Bởi lẽ, đây là lĩnh vực không chỉ mang tính “nhạy cảm cao”, mà còn là lĩnh vực mà sự thay đổi không phải “một sớm một chiều”. Đó là chưa nói đến tư duy giáo điều còn ảnh hưởng không nhỏ đối với cả giới nghiên cứu lý luận lẫn những chính khách ở các nước xã hội chủ nghĩa. Trong học thuyết chuyên chính vô sản, đúng là C.Mác và Ph.Ăngghen chưa sử dụng thuật ngữ nhà nước pháp quyền. Nhưng những tư tưởng cốt lõi  về nhà nước pháp quyền lại được các nhà kinh điển đề cập sâu sắc trong các chủ trương xây dựng nhà nước kiểu mới, chế độ dân chủ mới, chế độ dân chủ vô sản. Đó là chủ trương xây dựng nhà nước hợp hiến, hợp pháp; là nhà nước dân chủ  cao nhất, triệt để nhất, dân chủ “do nhân dân tự quy định”; là bước chuyển từ xã hội thần dân sang xã hội công dân, từ “nhân dân của nhà nước” sang “nhà nước của nhân dân”. Đó là chế độ dân chủ xuất phát từ con người và pháp luật cũng vì con người. Đó là nhà nước đảm bảo cho “tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Nhà nước đó xây dựng và phát triển một xã hội có khả năng tạo ra những điều kiện cơ bản để “giải phóng cá nhân” theo phương châm “xã hội sẽ không thể giải phóng cho mình được, nếu không giải phóng mỗi cá nhân riêng biệt”… Những tư tưởng cốt lõi đó của C.Mác và Ph.Ăngghen đã được V.I.Lênin vận dụng và phát triển trong sự phân tích, đánh giá nhà nước tư sản, chế độ cộng hoà dân chủ tư sản, cũng như trong thực tiễn lãnh đạo nhân dân Nga xây dựng nền pháp luật kiểu mới, nền pháp chế xã hội chủ nghĩa. Ở nước ta, tư tưởng nhà nước pháp quyền cũng đã được thể hiện rất đậm nét ở Hồ Chí Minh, khi Người lãnh đạo nhân dân ta xây dựng nhà nước cách mạng. Đó là tư tưởng về xây dựng một nhà nước dân chủ, một chế độ dân chủ thực sự theo phương châm “bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(1). Chính phủ là chính phủ của nhân dân, Chính phủ phải hứa với dân: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(2). Đó là một nhà nước chịu sự kiểm soát của nhân dân, “tất cả các cơ quan nhà nước đều phải dựa vào dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe và chịu sự kiểm soát của nhân dân” (Điều 6, Hiến pháp 1959). Trong quan hệ với nhân dân, Hồ Chí Minh khẳng định, Chính phủ là đầy tớ của nhân dân. Người viết: “Chế độ ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ, Chính phủ là đầy tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ”(3). Tư tưởng nhà nước pháp quyền của Người còn thể hiện trong quyết tâm xây dựng nhà nước hợp hiến, hợp pháp ngay trong tình thế cách mạng đang “nghìn cân treo sợi tóc”. Chỉ một ngày sau khi đọc “Tuyên ngôn độc lập”, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ lâm thời xác lập nền tảng dân chủ và pháp quyền cho chế độ nhà nước cách mạng, đó là tổ chức Tổng tuyển cử và xây dựng Hiến pháp dân chủ. Người nói: “Trước đây chúng ta bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v.”(4). Tuy nhiên, có thể nói, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, như chiến tranh, nội chiến, quan niệm về chủ nghĩa xã hội một cách giản đơn và có phần cực đoan khi đối lập một cách trừu tượng nhà nước tư sản với nhà nước xã hội chủ nghĩa, đồng nhất nhà nước pháp quyền với nhà nước tư sản, coi mô hình nhà nước pháp quyền là mang tính tư sản…, nên ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có nước ta, việc nghiên cứu và vận dụng một cách có ý thức (chủ động, tự giác) mô hình nhà nước pháp quyền có nhiều hạn chế, nếu không muốn nói là có thời kỳ bị lãng quên. Đó là một trong những nguyên nhân khiến dân chủ ở các nước xã hội chủ nghĩa trở thành “có vấn đề”. Dân chủ mang nặng tính hình thức; tình trạng độc đoán, chuyên quyền, quan liêu có xu hướng phát triển đã làm suy yếu nhà nước. Tổ chức bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Nhà nước quản lý, điều hành xã hội chủ yếu bằng mệnh lệnh, chỉ thị, nghị quyết, bằng đạo lý, trong khi pháp luật thì bị coi nhẹ. Chính vì vậy, vấn đề dân chủ đã được đặt ra một cách bức bách ở các nước xã hội chủ nghĩa nói chung, ở nước ta nói riêng. Trong quá trình đổi mới tư duy về chính trị,  về chủ nghĩa xã hội, nhận thức về nhà nước pháp quyền của Đảng ta ngày càng đầy đủ hơn, rõ ràng và cụ thể hơn; quyết tâm chính trị là xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa dưới hình thức nhà nước pháp quyền cũng ngày càng cao hơn. Trong Văn kiện Đại hội VI, quan điểm, chủ trương đổi mới Nhà nước đã manh nha một số nội dung về Nhà nước pháp quyền. Đó là sự khẳng định “quản lý nhà nước bằng pháp luật, chứ không phải bằng đạo lý”; phải quan tâm xây dựng pháp luật; từng bước bổ sung và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật để bảo đảm cho bộ máy nhà nước được tổ chức và hoạt động theo pháp luật(5). Đến Đại VII, quan điểm đổi mới Nhà nước đã được bổ sung thêm nội dung: “Nhà nước Việt Nam thống nhất ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, với sự phân công rành mạch ba quyền đó”(6). Như vậy, có thể nói, qua hai kỳ Đại hội của thời kỳ đổi mới, tư duy về đổi mới Nhà nước theo hướng xây dựng nhà nước pháp quyền của Đảng đã có những bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, chỉ đến Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII (1994), chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mới được Đảng ta chính thức khẳng định và thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền” cũng mới lần đầu tiên được sử dụng trong văn kiện của Đảng. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong điều kiện chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường ở nước ta là việc làm mới mẻ, chưa có tiền lệ trong lịch sử, hiểu biết của chúng ta còn ít, có nhiều việc phải vừa làm, vừa tìm tòi, rút kinh nghiệm. Điều này đòi hỏi chúng ta cần phải thận trọng trong quyết định, cũng như trong tiến hành thực hiện. Trong Văn kiện Đại hội VIII (1996), Đảng ta coi xây dựng Nhà nước pháp quyền như một trong năm quan điểm cần quán triệt trong quá trình tiếp tục cải cách, đổi mới Nhà nước, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đến Đại hội IX, qua tổng kết những thành tựu nghiên cứu lý luận, cũng như thực tiễn từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền, Đảng ta đã coi “xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng” là một nhiệm vụ mang tính chiến lược và xuyên suốt trong quá trình “đẩy mạnh cải cách tổ chức và hoạt động của nhà nước, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế”(7). Trong Văn kiện Đại hội X, khi tổng kết lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới, Đảng ta không những tiếp tục khẳng định chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền, mà còn ghi nhận điều chúng ta “có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản”(8) là một đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đang xây dựng. Khẳng định xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa theo mô hình Nhà nước pháp quyền là một bước đột phá trong tư duy và thực tiễn xây dựng Nhà nước trong thời kỳ đổi mới của Đảng ta. Đó là cơ sở chính trị cho việc tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu về nhà nước pháp quyền, đổi mới một cách căn bản, có hệ thống tổ chức và phương thức hoạt động của Nhà nước ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là ngày một, ngày hai chúng ta có thể xác lập ngay được Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong lý luận và cả trong thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta đang đặt ra nhiều vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải tiếp tục giải quyết. Đó là: 1) Vấn đề thiết kế mô hình cụ thể Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mô hình nhà nước pháp quyền đã được nhân loại thử nghiệm, chọn lọc qua nhiều thế kỷ và đang trở thành hình thức phổ biến trong thế giới đương đại. Tuy nhiên, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam không có nghĩa là “bê nguyên” những hình thức ấy. Vả lại, ngay cả ở các nước phương Tây, nhà nước pháp quyền cũng không hoàn toàn giống nhau. Ở mỗi quốc gia, nhà nước pháp quyền cũng có những nét độc đáo riêng, tuỳ thuộc vào các đặc điểm, truyền thống dân tộc cũng như điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá. Hơn nữa, Nhà nước pháp quyền mà nhân dân ta đang xây dựng là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhà nước đó, về bản chất, là đối lập với nhà nước pháp quyền tư sản. Do vậy, về nội dung pháp luật, về bản chất của pháp luật chắc chắn cũng khác với nhà nước pháp quyền tư sản. Còn về hình thức có thể có những nét tương đồng mà qua nghiên cứu, chọn lọc, cải biến, chúng ta có thể kế thừa mặt này, mặt kia của mô hình này hay mô hình khác. Tuy nhiên, đây cũng không phải là điều đơn giản, thậm chí còn là khá phức tạp và rất nhạy cảm về chính trị. Chẳng hạn, việc có vận dụng hay không vận dụng, vận dụng đến mức độ nào thuyết phân lập các quyền của phương Tây. Ngay cả ở các nước tư bản, mức độ vận dụng học thuyết này cũng không giống nhau. Điều đó không phải do có sự khác nhau về chế độ chính trị, mà bắt nguồn từ nhiều lý do khác, trong đó có những quan niệm khác nhau về tác dụng của sự phân quyền. Mục đích của việc phân quyền là để tránh sự độc đoán, chuyên quyền, lạm dụng quyền lực. Đó là mặt tích cực. Nhưng việc phân quyền giữa các cơ quan thực hiện quyền lực cũng có những mặt trái của nó. Do vậy, ở các nước phương Tây cũng xuất hiện quan điểm cho rằng, không nên cường điệu ý nghĩa mang tính chất lý thuyết của thuyết phân quyền. Hơn nữa, thuyết phân quyền của phương Tây cũng không chỉ thuần tuý ở khía cạnh kỹ thuật tổ chức – pháp lý, mà còn là đặc trưng xã hội – chính trị của nhà nước pháp quyền tư sản. Hay, nói cách khác, không chỉ là phân lập các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, mà còn là việc phân chia quyền lực, phân bố quyền lực giữa các giai cấp và các nhóm xã hội, các lực lượng xã hội. Xuất phát từ những lý do đó, Đảng ta đặt vấn đề, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chúng ta không áp dụng nguyên xi thuyết phân quyền của phương Tây, mà “có sự phân công rành mạch giữa ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và có sự phối hợp giữa các cơ quan thực hiện những quyền đó”. Vấn đề đặt ra là làm sao tạo lập được những cơ chế, thiết chế phù hợp đảm bảo sự phân công rành mạch ba quyền và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan thực hiện quyền lực. Thiếu những cái đó khó tránh khỏi tình trạng như đã và đang diễn ra ở những mức độ nhất định: lấn quyền, lạm quyền, vượt thẩm quyền hoặc bỏ sót quyền, chưa sử dụng hết quyền hạn của mình,… Với nước ta, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất có chức năng lập pháp, có quyền quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước và có quyền giám sát tối cao hoạt động của các cơ quan nhà nước khác. Trong hệ thống các cơ quan quyền lực của Nhà nước ta, Quốc hội có vị trí, vai trò rất lớn theo luật định. Quốc hội “được làm” nhưng có “làm được” hay không - đó là vấn đề không nhỏ. Điều đó liên quan trực tiếp tới thiết chế tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội. Ở nước ta, trong quá trình đổi mới, cải cách Nhà nước nói chung, Quốc hội nói riêng, hiện cũng đang đặt ra một số vấn đề: Quốc hội ta là quốc hội quốc dân hay quốc hội nhân dân; hoạt động thường xuyên hay định kỳ, Quốc hội “tham luận” hay “tranh luận”, Quốc hội chuyên nghiệp hay nghiệp dư, tỷ lệ đại biểu chuyên trách và đại biểu nghiệp dư, cơ cấu và chất lượng đại biểu; quan hệ giữa Quốc hội với các cơ quan nhà nước khác, v.v.. Xét về mặt lý thuyết, Quốc hội ta là quốc hội quốc dân, đại biểu cho cử tri, cho nhân dân cả nước. Nhưng vì nhiều lý do nên trên thực tế, điều đó chưa hẳn đã là như vậy. Chức năng đại diện của Quốc hội ta vẫn thiên về đại biểu cho các địa phương, đại diện cho cử tri ở đơn vị bầu cử, chứ chưa hẳn là cử tri cả nước. Điều này có liên quan đến tổ chức bầu cử (bầu cử gắn với địa phương, và do vậy, cách giải quyết như thế nào vẫn là vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu. Quốc hội mang tính nghiệp dư hay tính chuyên nghiệp hoá? Xung quanh vấn đề này hiện vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, nếu Quốc hội hoạt động thường xuyên, mang tính chuyên nghiệp hoá thì các đại biểu mất đi mối liên hệ trực tiếp với cử tri, với cơ sở. Dĩ nhiên, Quốc hội hoạt động thường xuyên, mang tính chuyên nghiệp hoá sẽ xuất hiện những trở ngại đó, nhưng không phải không có cách giải quyết, khắc phục. Vả lại, theo kinh nghiệm của nhiều nước cũng như yêu cầu của Nhà nước pháp quyền, chỉ có Quốc hội hoạt động thường xuyên mới hoàn thành được chức năng lập pháp, mới có đủ khả năng thay đổi, bổ sung luật, đạo luật theo kịp với yêu cầu của cuộc sống. Đó là điều cần suy nghĩ. Chuyên nghiệp hoá Quốc hội cũng là hướng cần thiết. Nghị sĩ quốc hội phải làm chức năng đại biểu mà muốn vậy, phải có tài năng, khả năng và phải dành thời gian để làm tròn nghĩa vụ và thạo nghề đại biểu. Đó là chưa nói đến chuyện họ phải là những người lập pháp thành thạo, có chuyên môn sâu, hay ít nhất cũng phải có năng lực thẩm định, phản biện, chất vấn. Vấn đề tỷ lệ đại biểu chuyên trách đã được đặt ra trong những khoá gần đây (hiện nay tỷ lệ đó vào khoảng 30%). Đó là hướng đi đúng, nhưng đủ chưa. Ở đây, còn phải tính đến tỷ lệ đại biểu được tái cử và không được tái cử. Như vậy, chỉ xoay quanh việc cải cách Quốc hội theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền cũng đã làm xuất hiện nhiều vấn đề còn phải tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm, thực hiện. Chính vì vậy mà cho đến nay, Đại hội X của Đảng vẫn khẳng định: “Tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội”(9). 2) Vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước. Điều khác nhau căn bản với nhà nước pháp quyền tư sản là Nhà nước pháp quyền ở nước ta do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Hơn nữa, chế độ ta là chế độ một đảng. Nói chế độ nhiều đảng dân chủ hơn chế độ một đảng là không chính xác, nhưng cũng phải thấy rằng, trong chế độ một đảng, Đảng lãnh đạo như thế nào để đảm bảo dân chủ, đảm bảo cho Nhà nước thực sự là quyền lực của nhân dân cũng là vấn đề phức tạp. Đảng ta lãnh đạo Nhà nước không có mục đích nào khác hơn là đem lại quyền dân chủ, quyền làm chủ cho nhân dân. Nhưng, lãnh đạo như thế nào để đạt được mục đích đó là một bài toán không dễ. Thực tiễn trong hơn 20 năm đổi mới đã cho thấy điều đó. Không đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng thì quyền lực nhà nước sẽ bị biến dạng, biến chất. Vả lại, trong thời đại hiện nay, có nhà nước nào lại không bị chi phối bởi một đảng hay liên minh của một số đảng. Vì vậy, nếu không đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng thì sẽ xuất hiện một lực lượng chính trị nào đó chi phối quyền lực nhà nước. Nhưng Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng cách áp đặt, ra lệnh, bao biện làm thay công việc của Nhà nước như trước đây thì quyền lực của nhân dân rất dễ rơi vào tình trạng hình thức, Nhà nước sẽ trở nên thụ động, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Đó là chưa nói đến bản thân chức năng lãnh đạo của Đảng cũng sẽ bị giảm sút và kém hiệu quả. Hay, nói cách khác, sẽ làm suy yếu cả sự lãnh đạo của Đảng lẫn hiệu lực quản lý của Nhà nước. Do vậy, để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước một cách có hiệu quả, Đảng phải tự đổi mới phương thức lãnh đạo của mình trên cơ sở giải quyết đúng đắn quan hệ giữa Đảng và Nhà nước, phân định một cách khoa học, rõ ràng chức năng của Đảng và của Nhà nước. Đây là vấn đề không đơn giản cả về lý luận lẫn thực tiễn. Bước vào thời kỳ đổi mới, tại Đại hội VI, Đảng ta đã đặt ra nhiệm vụ đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Sau 20 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được một số kết quả trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Chẳng hạn, nếu trước đây, Quốc hội chủ yếu làm chức năng “hợp thức hoá” các văn kiện, nghị quyết của Đảng thành quy phạm, mệnh lệnh của Nhà nước, thì hiện nay, Đảng đã dành một không gian lớn hơn cho Quốc hội. Nhiều vấn đề, Đảng không cho quyết định trước mà chỉ cho phương hướng để Quốc hội giải quyết, có những vấn đề Bộ Chính trị cũng phải thay đổi khi Quốc hội có quyết định khác. Quốc hội càng ngày càng có thực quyền hơn. Tuy nhiên, đến Đại hội X, Đảng vẫn cho rằng, “việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng còn chậm, chưa đồng bộ với đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, đổi mới kinh tế”(10). Vì vậy, nhiệm vụ đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước  vẫn được tiếp tục đặt ra. Nói về nhiệm vụ đó, Văn kiện Đại hội X nhấn mạnh: “Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy định cụ thể về nguyên tắc, nội dung và cơ chế Đảng lãnh đạo đối với Nhà nước trong từng lĩnh vực: lập pháp, hành pháp, tư pháp và từng cấp, từng loại hình tổ chức nhà nước”(11). 3) Vấn đề tạo lập những điều kiện, cơ sở cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chúng ta chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhưng những điều kiện cho việc xây dựng đó còn có những hạn chế nhất định. Trước hết, đó là việc chuẩn bị về mặt lý luận. Phải nói rằng, trong những năm đổi mới, chúng ta đã có những bước khởi động và tập trung nghiên cứu, tiếp cận và giải quyết từng vấn đề, từng khía cạnh cụ thể lý luận Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Tuy nhiên, việc thiết kế mô hình cụ thể chưa thực sự thật chín muồi, không ít vấn đề còn phải được nghiên cứu, trao đổi, tranh luận trên các diễn đàn, các trang sách báo. Liên quan đến lý luận nhà nước pháp quyền còn phải nói đến một số lý luận khác, như xã hội công dân, kinh tế thị trường. Những vấn đề này, cũng có thể nói, chưa được nghiên cứu đủ tầm cả về bề rộng lẫn chiều sâu; hơn nữa, vẫn còn có những quan niệm chưa thống nhất, nhất là về xã hội công dân. Nhà nước pháp quyền được xây dựng trên cơ sở xã hội công dân. Đến lượt mình, xã hội công dân chỉ có thể được hoàn thiện và phát triển thuận lợi trên cơ sở nhà nước pháp quyền. Chính vì vậy, đi đôi với xây dựng nhà nước pháp quyền, chúng ta phải tạo lập và hoàn thiện xã hội công dân. Xã hội nước ta đã là xã hội công dân chưa, xây dựng và hoàn thiện xã hội công dân đòi hỏi những gì? Tất cả những điều này phải có lý luận soi sáng, hướng dẫn. Hơn nữa, ở nước ta, thực tiễn của quá trình đổi mới và xây dựng xây dựng Nhà nước pháp quyền cũng đã xuất hiện một số vấn đề phức tạp mà lý luận chưa giải thích được hoặc giải thích chưa có sức thuyết phục. Trong quan niệm và quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền, ranh giới giữa tính nguyên tắc và bảo thủ, giữa tính linh hoạt, sáng tạo, tư duy mới và hữu khuynh không phải là điều dễ dàng phân biệt rạch ròi… Bên cạnh những vấn đề lý luận, còn phải nói đến những hạn chế về điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Như chúng ta đã biết, tư tưởng  nhà nước pháp quyền xuất hiện từ rất sớm, nhưng phải đến thời đại cách mạng tư sản mới có những điều kiện để phát triển thành học thuyết và hiện thực hoá trong thực tế. Ở nước ta hiện nay, nếu nói chưa có điều kiện để xây dựng nhà nước pháp quyền là không đúng, nhưng phải thấy rằng, chúng ta vẫn còn những hạn chế nhất định, chẳng hạn, về trình độ dân trí. Không thể xây dựng một chế dân chủ cao trên một nền dân trí thấp kém được. Nói đến trình độ dân trí, trước hết, là nói đến ý thức pháp luật, trình độ văn hoá pháp lý. Dân chủ hiện đại đi đôi với pháp luật. Nhà nước pháp quyền nói chung, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói riêng phải xây dựng được Hiến pháp và một hệ thống pháp luật đảm bảo tính đồng bộ, phản ánh và đáp ứng các yêu cầu của tiến bộ xã hội. Từ sau Đại hội VI đến nay, công tác lập pháp của Quốc hội nước ta đã có những tiến bộ đáng kể, nhưng so với yêu cầu vẫn còn những hạn chế. Chúng ta vẫn còn thiếu những đạo luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội; hơn nữa, bản thân những điều luật đã có cũng cần phải được rà soát lại. Vì vậy, sau hơn 20 năm đổi mới, Đảng ta vẫn yêu cầu phải “tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội,.. Đổi mới hơn nữa quy trình xây dựng luật, giảm mạnh việc ban hành pháp lệnh”(12). Nói đến ý thức pháp luật còn phải nói đến trình độ am hiểu pháp luật của nhân dân. Không am hiểu luật, không thể có ý thức pháp luật cao. Nói đến trình độ dân trí còn phải nói đến đòi hỏi dân chủ của nhân dân. Đòi hỏi dân chủ của nhân dân ta đã cao chưa? Đây là một câu hỏi cần phải được đặt ra. Không có đòi hỏi dân chủ cao từ phía nhân dân, từ cuộc sống không thể xây dựng chế độ dân chủ cao được. Nhân dân ta phần lớn đang ở trong tình trạng bị động, tin tưởng, chờ đợi từ phía Đảng và Nhà nước. Thực tế đã chỉ ra rằng, xây dựng chế độ dân chủ theo kiểu ban phát từ trên xuống, hoặc sẽ là rất hạn chế, hoặc sẽ trở nên hình thức. Trong chế độ dân chủ tư sản hiện nay, sở dĩ người lao động có được một số quyền dân chủ nhất định, đó tuyệt nhiên không phải là do “lòng từ thiện” của giai cấp tư sản, mà là kết quả của cuộc đấu tranh quyết liệt, lâu dài của quần chúng lao động dưới chủ nghĩa tư bản. Dưới chủ nghĩa xã hội, dĩ nhiên, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến xây dựng chế độ dân chủ, mong muốn xây dựng một chế độ dân chủ cao, rộng rãi đối với nhân dân. Nhưng rõ ràng điều đó vẫn chưa đủ. Dân chủ phải là sự nghiệp của quần chúng, phải là “tác phẩm” của bản thân quần chúng. Đảng chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhằm mục đích xây dựng một chế độ dân chủ cho nhân dân, một chế độ dân chủ triệt để, đầy đủ và thực sự cho nhân dân. Muốn vậy, phải tiếp tục nâng cao trình độ dân trí cho cán bộ, đảng viên và quảng đại quần chúng nhân dân. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta là một quá trình lâu dài. Với quyết tâm chính trị cao của Đảng trong những năm qua, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã có những thành tựu nhất định, song trong quá trình xây dựng cũng nảy sinh nhiều vấn đề đòi hỏi chúng ta cần phải tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, tìm kiếm, thử nghiệm. Do vậy, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đang là nhiệm vụ cấp bách đặt ra trước chúng ta./. (*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.  (1) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.5. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 698. (2) Hồ Chí Minh. Sđd., t.4, tr. 56-57. (3) Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr.368. (4) Hồ Chí Minh. Sđd., t.4, tr. 8. (5) Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.120, 121. (6) Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh xây

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docTạp chí Triết học số 4 (203) năm 2008.doc
Tài liệu liên quan