Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội

Giữa thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cả dân tộc Việt Nam ở trong bối cảnh là đất nước vốn đã lạc hậu trì trệ bởi chủ nghĩa phong kiến lại bị chủ nghĩa thực dân (CNTD) xâm lược, đô hộ. Bối cảnh ấy làm nảy sinh hai nhu cầu lớn: làm thế nào để giải phóng dân tộc, giải phóng các giai cấp? Và làm thế nào để phát triển đất nước? Và, đã có nhiều lực lượng ưu tú của Dân tộc đã đi tìm cách để giải quyết các nhu cầu trên. Trước khi Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước, Dân tộc ta hồi đó từng có 2 trải nghiệm: con đường theo ý thức hệ phong kiến và con đường theo ý thức hệ dân chủ tư sản.

doc7 trang | Chia sẻ: zimbreakhd07 | Lượt xem: 2396 | Lượt tải: 4download
Nội dung tài liệu Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” là quy luật vận động của thực tiễn chính trị xã hội Việt Nam qua những trải nghiệm tìm kiếm, sàng lọc. Nó được xác định từ nhiều vận động dích dắc của lịch sử cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và thực sự chuyển biến từ quá trình đổi mới tư duy đầu tiên mà Hồ Chí Minh là người khởi dẫn  Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người. Ảnh: Tuấn Anh  1. Những hạn chế của lối tư duy cũ trong việc tìm đường giải phóng dân tộc và phát triển đất nước Giữa thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cả dân tộc Việt Nam ở trong bối cảnh là đất nước vốn đã lạc hậu trì trệ bởi chủ nghĩa phong kiến lại bị chủ nghĩa thực dân (CNTD) xâm lược, đô hộ. Bối cảnh ấy làm nảy sinh hai nhu cầu lớn: làm thế nào để giải phóng dân tộc, giải phóng các giai cấp? Và làm thế nào để phát triển đất nước? Và, đã có nhiều lực lượng ưu tú của Dân tộc đã đi tìm cách để giải quyết các nhu cầu trên. Trước khi Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước, Dân tộc ta hồi đó từng có 2 trải nghiệm: con đường theo ý thức hệ phong kiến và con đường theo ý thức hệ dân chủ tư sản. Con đường cứu nước bằng ý thức hệ phong kiến cổ truyền xuất phát từ một triết lý có từ nghìn năm trước: “Sông núi nước Nam vua Nam ở”. Bảo vệ độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, người Việt Nam tự quản lý công việc nội bộ. Ý nghĩa triết lý ấy thật giản dị. Và kể từ ngày 5/6/1858 khi thực dân Pháp và Tây Ban Nha xâm lược đất nước, nhiều thế hệ của người Việt Nam đã đánh Tây, cứu nước theo tư duy ấy. Con đường cứu nước thứ hai, phức tạp hơn một chút, là giải phóng dân tộc và sau đó, phát triển đất nước theo con đường TBCN. Ý thức hệ chi phối con đường này là tư tưởng dân chủ tư sản. Nó xuất hiện từ khá sớm, trước cả sự kiện 1858. Nhiều bậc thức giả, sỹ phu của triều Nguyễn đã ý thức được tình trạng lạc hậu của Việt Nam và bối cảnh thế giới đang trong cuộc “Mưa Âu, gió Á” với nhiều chuyển động từ chế độ phong kiến sang chế độ dân chủ tư sản và, họ đã đi tìm đường cứu nước từ tư duy ấy. Các giải pháp để cứu nước theo hai con đường phục quốc phong kiến và dân chủ tư sản đều bị thất bại. Vì sao những giải pháp ấy lại thất bại? Về logic, cả dân tộc hiện có 2 nhu cầu lớn, theo đó nó định ra những mục tiêu của cách mạng. Có giải quyết được quan hệ giữa mục tiêu giai đoạn – trước mắt và mục tiêu chiến lược lâu dài thì mới có phương pháp cách mạng, tạo ra động lực, thu hút được đồng minh, đoàn kết dân tộc... Thành hay bại của một giải pháp cứu nước đều phải giải quyết được các mục tiêu và mối quan hệ giữa những mục tiêu ấy. Chúng ta cùng xét từng giải pháp. - Tư tưởng phong kiến bất lực trước nhu cầu giải phóng và phát triển. Đi theo ý thức hệ này, đương thời có hai nhóm: một là phong trào yêu nước của nhân dân theo ngọn cờ của các sỹ phu, tướng lĩnh và thủ lĩnh nông dân và những hành động của triều Nguyễn. Cả hai đều trên nền tư tưởng của ý thức hệ phong kiến. Mục tiêu trực tiếp của con đường này là quang minh: đánh Tây xâm lược, phục quốc, độc lập; nhưng mục tiêu chiến lược lâu dài để phát triển đất nước sẽ như thế nào, thì còn nhiều lúng túng. Vấn đề là sau khi giành độc lập, sẽ lại tiếp tục xây dựng lại thể chế phong kiến vậy, liệu điều đó có đủ đáp ứng nhu cầu dân chủ của cả xã hội, đặc biệt là khối nông dân đông đảo nhất? Các phong trào yêu nước do những bậc sỹ phu, tướng lĩnh và thủ lĩnh nông dân đương thời liên tục nổ ra khắp đất nước với tinh thần dũng cảm ngất trời: “đầu dám thay đầu, chân nối chân”. Song dường như với triết lý giản dị “Sông núi nước Nam…” hay lòng dũng cảm “Vì nước tấm thân đã trải, còn mất cũng cam, giúp đời cái nghĩa đáng làm, nên hư nào ngại”… thì chưa đủ để giải phóng và phát triển. “Chớ đem thành bại luận anh hùng”. Chủ nghĩa yêu nước và sự hy sinh vì đại nghĩa dân tộc của những con người này thật đáng tôn vinh. Sự thất bại của phong trào yêu nước này còn cho thấy một bài học lớn: để cứu nước thì chỉ hành động “truyền hịch, dựng cờ khởi nghĩa” và Cần vương là chưa đủ…  Hồ Chí Minh với các thành viên chính phủ lâm thời. Ảnh: Tuấn Anh Nhu cầu phát triển đất nước trong một xã hội được tổ chức thành nhà nước bao giờ cũng in dấu ấn của chủ thể cầm quyền. Nhưng do chế độ bạc nhược hủ bại và tự cô lập với những khát vọng của nhân dân nên trước đó, triều Nguyễn đã lạnh lùng khước từ những sáng kiến tìm lối phát triển. Các điều trần, các phương án canh tân của nhiều bậc thức giả như Nguyễn Trường Tộ, Bùi Lộ Trạch... đều bị chối từ để cấm cố dân tộc trong phương thức phong kiến. Nó kìm hãm tư tưởng xã hội trong thứ bậc cổ lỗ theo kiểu Sĩ – nông – công – thương… và đã không còn phản ánh đúng cơ cấu giai cấp của xã hội; và nó “bịt mắt” làm ngơ trước những khát vọng giải phóng, nhu cầu dân sinh, dân chủ… Triều đình phong kiến nhà Nguyễn cũng ý thức được sự mất mát khi va chạm lợi ích với thực dân Pháp xâm lược. Song lợi ích ích kỷ của tập đoàn thống trị và sự kìm hãm của hệ tư tưởng phong kiến đã dung dưỡng những tư tưởng đầu hàng, bảo thủ cổ hủ, biện luận cho những thối nát bất lực: lấy “Năm đạo thường” để quản lý đất nước; “lấy đạo Nho để giáo hóa quân Tây dương”... Nó làm nguội lạnh những nhiệt huyết của các bậc sỹ phu, thậm chí lấy đạo trung quân để lấn át lòng ái quốc bằng việc tiếp tay cho thực dân Pháp đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân. Bất lực và phản bội, một bộ phận triều Nguyễn đã hi sinh độc lập dân tộc để cứu vãn lợi ích ích kỉ của phong kiến. Nó đã tách khỏi dân tộc bằng các Hiệp ước cắt đất, đầu hàng với thực dân Pháp. Tư tưởng phong kiến trước đây, khi gắn bó với chủ nghĩa yêu nước của Dân tộc đã làm trọn chức phận của nó mỗi khi đất nước bị xâm lăng. Nhưng giờ đây nó đã bất lực, hủ bại. Nho giáo là hạt nhân của tư tưởng phong kiến Việt Nam, đã không còn đủ sức để giải thích một hiện tượng mới mẻ là chủ nghĩa thực dân. Thậm chí có lúc nó từng được sử dụng như vũ khí trong công cuộc chống xâm lăng và góp phần xây nên “thành lũy của chủ nghĩa dân tộc” (Phan Bội Châu). Ở giai đoạn đầu tiên của cuộc kháng Pháp, tư tưởng “dị chủng, dị tộc” khá rõ. Chống xâm lược là chống quân Tây dương tà đạo, dị chủng, man di... Nó ảo tưởng vào thuyết “đồng chủng, đồng văn”; xa hơn cũng chỉ thấy được “dân tộc Trung Hoa cũng bị nô dịch như ta” chứ chưa thấy được bản chất giai cấp của hiện tượng áp bức dân tộc. Về sau, tư tưởng này còn xuất hiện trong luận thuyết “đồng chủng, đồng văn” của các bậc sỹ phu đi theo con đường dân chủ tư sản. Đạo quân thần đã không đủ để giữ bờ cõi trước sự xâm lăng của thực dân - tư bản, nhưng Nho vẫn còn cái “giá đỡ” là thể chế phong kiến nên vẫn tồn tại. Nhà Nguyễn lại còn tận dụng những phần lạc hậu nhất, trì độn nhất của ý thức hệ Nho giáo để biện luận cho sự bạc nhược và hủ bại của mình. Cái nguyên nhân sâu xa của sự thất bại của phong kiến Việt Nam đương thời là lạc hậu về tư tưởng hủ bại về thể chế. Các nhà nghiên cứu Trần Văn Giàu, Vũ Khiêu và Nguyễn Khắc Viện đều đã chỉ ra: Chủ nghĩa bảo thủ Nho giáo; chủ nghĩa quan liêu của quan lại; tư tưởng tiểu nông của nông dân... là những vật cản lớn của giải phóng và phát triển. - Tư tưởng dân chủ tư sản cũng đã là một tìm tòi mới, song cũng chung sự thất bại khi tìm giải pháp để giải phóng và phát triển dân tộc. So với tư tưởng phong kiến thì đây là một trình độ cao hơn và nó cũng đã có sức hấp dẫn nhất định với một bộ phận của xã hội Việt Nam. Hệ tư tưởng tư sản đương thời ở Việt Nam có hai loại ảnh hưởng: Loại ảnh hưởng thứ nhất là một số yếu tố khai hóa đã xuất hiện như tự do, bình đẳng, dân chủ... dù đã méo mó đi nhiều thông qua chế độ thực dân. Nguyễn Ái Quốc trong “Bản án chế độ thực dân Pháp” đã mô tả hình ảnh của Nữ thần công lý khi sang thuộc địa thì cái cân “công lý” bị biến thành thuốc phiện và thanh gươm bảo vệ “tự do” trở thành công cụ đàn áp, chém giết dân tộc An Nam. Song dù sao, nhiều tư tưởng dân chủ phương Tây vẫn có tác dụng thức tỉnh với một bộ phận của xã hội - chủ yếu là sinh viên, trí thức Tây học và công chức... Nó là khởi điểm để một bộ phận vươn tới trình độ mới và có thể tạo ra những sắc thái mới trong đời sống xã hội đô thị… Loại ảnh hưởng thứ hai, có một nhóm xã hội có lúc đã coi hệ tư tưởng tư sản như một giải pháp tìm đường cứu nước. Nó chưa tạo ra được một thể chế dân chủ mới nhưng đã từng là một tìm tòi và là một ngọn cờ tư tưởng của nhiều bậc thức giả đầu thế kỷ XX mà đại biểu là Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu. Thậm chí có cả những hành động với mục tiêu đáng trọng như khởi nghĩa Yên Bái (2-1930). Vì sao hệ tư tưởng tư sản bất lực và thất bại? Nó cũng như ý thức hệ phong kiến, đã không giải quyết được đồng thời hai nhiệm vụ của lịch sử Việt Nam là giải phóng (dân tộc và các giai cấp bị áp bức) và phát triển đất nước. Nó lại thiếu cơ sở xã hội (lúc đó giai cấp tư sản dân tộc còn rất non yếu) và không giải quyết triệt để những nhu cầu dân chủ của đông đảo xã hội là công nhân và nông dân. Giả định rằng, con đường này thành công (như phong trào giải phóng dân tộc ở Ấn độ) thì công nhân và nông dân vẫn tiếp tục thân phận bị bóc lột và áp bức và độc lập dân tộc vẫn bị đe dọa bởi chủ nghĩa thực dân mới. Điều đáng chú ý là nó mang tính phi logic, vì không thể lấy tư tưởng tư sản để chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cùng việc giải quyết những hệ quả chính trị xã hội do chính chế độ gây ra. Hệ tư tưởng dân chủ tư sản có thể là mới mẻ so với lập trường phong kiến nhưng nó cũng đã bị lịch sử vượt qua về thời đại bằng Cách mạng XHCN tháng Mười. Cuộc tìm tòi giải pháp cho độc lập và phát triển dân tộc chưa đến hồi kết. 2. Các tình huống đặt ra nhu cầu đổi mới tư duy về con đường cứu nước. Nhìn tổng quát, những hệ tư tưởng đã được vận dụng cho cuộc cứu nước và giải phóng dân tộc hồi đầu thế kỷ XX, tính cụ thể đến ngày 5/6/1911 – ngày Nguyễn Ái Quốc xuất dương đi tìm đường cứu nước, đều là những ý thức hệ đã cũ và chưa thể được chấp nhận cho nhu cầu giải phóng và phát triển của Việt Nam. Các tình huống mà thực tiễn đặt ra là: Kẻ thù của độc lập dân tộc giờ đây đã khác, phương thức xâm lược, bóc lột cũng khác trước. CNTB là một hiện tượng thế giới, bằng chủ nghĩa thực dân, nó đang muốn “tạo ra thế giới theo hình ảnh của nó”. CNTB Pháp hơn phong kiến Việt Nam một phương thức sản xuất, khác về thủ đoạn thống trị, lại là một thế lực quốc tế... thì không thể đánh đổ nó chỉ bằng chủ nghĩa dân tộc tuần túy. Phát triển là nhu cầu lớn của cả dân tộc. Sự nghèo nàn, lạc hậu của Dân tộc ta đương thời là do chìm đắm trong chế độ phong kiến đã hàng chục thế kỷ, nay lại thêm sự áp bức của chế độ thực dân. Lặp lại chế độ phong kiến không phải là lối thoát và đi lên CNTB lại cũng không phải là giải pháp tối ưu, vì tuyệt đại đa số của Dân tộc hồi đó là nông dân và công nhân. Muốn phát triển đất nước, trước tiên phải giải phóng được sức mạnh của lực lượng ấy. Trước Mac, vấn đề độc lập dân tộc chưa có ai giải quyết trên lập trường duy vật và biện chứng về lịch sử. Xâm lược và thống trị là một hiện tượng xã hội có căn nguyên về kinh tế là chế độ tư hữu, về chính trị chế độ là người áp bức bóc lột người. Không có dân tộc thượng đẳng và hạ đẳng, không có số phận của dân tộc đi thống trị, khai hóa và số phận của dân tộc bị trị, bị đô hộ. CNTB, CNĐQ là cơ sở kinh tế - chính trị của hiện tượng nô dịch dân tộc mà biểu hiện cụ thể là chủ nghĩa thực dân, toàn cầu hoá TBCN... Hạt nhân của vấn đề là phương thức bóc lột giá trị thặng dư. Nạn dân tộc này áp bức dân tộc khác đều bắt nguồn từ chế độ người bóc lột người. Để thỏa mãn cơn khát lợi nhuận, CNTB tạo ra một thế giới theo hình ảnh của nó và theo cách của nó: tìm kiếm thị trường, nhân công và tài nguyên ... từ xâm lược, áp bức và nô dịch. Nạn dân tộc này áp bức dân tộc khác đều bắt nguồn từ chế độ người bóc lột người. Giải quyết vấn đề độc lập dân tộc ở thời đại ngày nay có nghĩa là chống CNTB, CNĐQ và các biến thái của nó. Nhưng CNĐQ chỉ tạo ra những tiền đề, mảnh đất để CNCS gieo hạt giống giải phóng chứ chưa chuẩn bị đầy đủ cho cách mạng XHCN (Do áp bức, bóc lột, bần cùng hóa, do chính sách ngu để trị ... ). CNXH phải thông qua cách mạng giải phóng dân tộc để nhân dân giành lấy quyền độc lập tự do về chính trị, và qua đó xây dựng độc lập về kinh tế, xã hội. Độc lập dân tộc và những mục tiêu dân chủ, dân sinh... có nhiều điểm gắn bó và chỉ có thể giải quyết triệt để khi gắn với con đường XHCN. Lý luận CNXH khoa học là cơ sở để giải quyết vấn đề dân tộc của xã hội hiện đại. Học thuyết ấy đã làm rõ bản chất kinh tế của nhu cầu giải phóng dân tộc là giải phóng các giai cấp – tầng lớp đang bị áp bức, bóc lột trong các dân tộc thuộc địa. GCCN và sứ mệnh lịch sử thế giới của nó là giải pháp để gỉai quyết triệt để những hiện tượng xã hội trên. Lực lượng để thực hiện sứ mệnh lịch sử giải phóng các dân tộc thuộc địa là GCCN và nhân dân các dân tộc thuộc địa dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Con đường là từ giải phóng dân tộc tiến lên XHCN, “giữa hai cuộc cách mạng không có bức tường thành nào ngăn cách”. CNXH và CNCS sẽ xóa đi nạn người bóc lột người và là căn nguyên sâu xa nhất của vấn đề áp bức dân tộc và theo đó, giải quyết cơ bản vấn đề độc lập dân tộc. 3 - Những đột phá của Hồ Chí Minh để đổi mới tư duy về con đường giải phóng dân tộc và phát triển đất nước “Độc lập cho đất nước tôi, tự do cho đồng bào tôi đó là tất cả những gì tôi muốn tất cả những gì tôi hiểu”. Đó cũng là khát vọng của cả dân tộc mà Hồ Chí Minh là người thấu hiểu và phát ngôn trước quốc tế. Bài học kinh nghiệm của các bậc tiền bối cho thấy nêu chỉ khư khư với chủ nghĩa giáo điều Nho giáo hoặc Tân thư, Tân văn (những phụ phẩm của lý luận dân chủ tư sản) thì không thể giải quyết được vấn đề của Việt Nam. Phải đứng trên mảnh đất hiện thực Việt Nam để tiếp nhận “cái linh hồn của chủ nghĩa Mac”, từ đó xác định triết lí phát triển của mình. “Không có lý luận cách mạng thì không có cách mạng vận động”. Hồ Chí Minh viết như vậy ở trang đầu cuốn “Đường Cách Mệnh”. Vậy hạt nhân của lý luận cách mạng Việt Nam là gì? Đó là giải phóng Dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người để từ đó bước vào chặng phát triển với chất lượng mới. Cũng chỉ từ đó mới có thể bảo đảm cho độc lập dân tộc và giải phóng triệt để xã hội, con người. Với tư duy khoa học và cách mạng như vậy, Hồ Chí Minh đã có những đột phá - đổi mới trong việc giải quyết những nhu cầu của Dân tộc qua việc tiếp hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với nhu cầu của cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh đã vận dụng lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp để giải quyết vấn đề dân tộc. Đấu tranh cách mạng ở nước ta, trước tiên diễn ra dưới hình thức đấu tranh dân tộc - đó là mâu thuẫn giữa dân tộc ta với chủ nghĩa đế quốc, thực dân Pháp; nhưng chế độ thực dân nửa phong kiến lại là một thực thể kinh tế - chính trị đang áp đặt ách bóc lột giá trị thặng dư và bóc lột thuộc địa lên các giai cấp và tầng lớp lao động Việt Nam. Ở Việt Nam đương thời, công nhân – nông dân – trí thức đang chịu “một cổ đôi ba tròng” là ách bóc lột của chủ nghĩa phong kiến và chế độ bóc lột giá trị thặng dư. Họ cũng là nòng cốt cho lực lượng cách mạng giải phóng dân tộc. Nếu chỉ thấy cái dân tộc mà không có lập trường giai cấp thì sẽ đi theo lối mòn của ý thức hệ phong kiến hoặc dân chủ tư sản, và hiển nhiên không thể “tranh được độc lập cho dân tộc” và thỏa mãn khát vọng giải phóng, dân chủ của nông dân và công nhân. Mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam đương thời là hình thái đặc biệt của mâu thuẫn giai cấp: giữa dân tộc Việt Nam với CNTD Pháp, Hồ Chí Minh coi đó là mâu thuẫn bao trùm và chi phối. Sau này, Luận cương chính trị 10/1930 cũng chỉ ra cơ sở kinh tế của “lối bóc lột phong kiến lại chiếm địa vị trọng yếu” chứ chưa phải là phương thức bóc lột giá trị thặng dư của CNTB. Vì vậy, “chủ nghĩa dân tộc còn là một động lực lớn của đất nước”. Nhưng chính bản thân động lực này cũng đã có sự chuyển hóa: trên lập trường GCCN chứ không phải dân tộc chủ nghĩa như trước; định hướng của nó “sẽ là cơ sở hiện thực cho chủ nghĩa quốc tế” và cách mạng XHCN; hạt nhân xã hội của nó là những người cộng sản vươn lên nắm lấy ngọn cờ dân tộc. Độc lập cho tổ quốc và tự do, hạnh phúc cho mỗi người lao động là thành quả đầu tiên của con đường theo chủ nghĩa Mac-Lênin. Lý tưởng của GCCN là CNCS nhưng mục tiêu trực tiếp của nó ở Việt Nam là làm cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng người lao động thoát khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa thực dân, ách áp bức của đế quốc và phong kiến - địa chủ. Theo đó “vấn đề thổ địa là cái cốt của cách mạng tư sản dân quyền” và nông dân là bạn đồng minh của giai cấp công nhân; liên minh công - nông - trí thức là cơ sở đại đoàn kết rộng rãi toàn dân tộc. Qua đó, sức mạnh của GCCN còn non trẻ được nhân lên bằng sức mạnh của giai cấp đại biểu cho lợi ích của dân tộc và người lao động. Rõ ràng đấu tranh giai cấp ở Việt Nam có hình thức dân tộc. So với chủ nghĩa Mác, thứ tự của quá trình giải phóng có khác ở chỗ, yếu tố giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu chứ không phải chỉ là giải phóng giai cấp. Nhưng sự nghiệp giải phóng và phát triển Dân tộc lại có được động lực to lớn hỗ trợ là những thành quả giải phóng các giai cấp- tầng lớp lao động, là đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Độc lập, tự do, hạnh phúc là mục tiêu, là thành quả và là những động lực luôn gắn bó trong tư duy Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng Việt Nam CNXH khoa học đến với cách mạng Việt Nam tuy tự nhiên nhưng không hề dễ dàng, đơn giản. Tự nhiên vì đây là nhu cầu chung của cả dân tộc Việt Nam trong việc tìm đường để phát triển và giải phóng. Nhưng không hề đơn giản vì phải có một nhãn quan mới khoa học và cách mạng, mới thấy được mối quan hệ giữa bóc lột giai cấp và áp bức dân tộc và đặc biệt là thấy được hình thái dân tộc của đấu tranh giai cấp và vận dụng lý luận đấu tranh giai cấp vào giải quyết vấn đề dân tộc Việt Nam. Chủ nghĩa Mác - Lênin đã gắn kết hai lực lượng mạnh mẽ nhất của Dân tộc là phong trào yêu nước và phong trào trào công nhân với một lý luận khoa học và từ đó tạo ra được hạt nhân, bộ tham mưu, đội tiền phong là Đảng cộng sản cho cuộc đấu tranh vì giải phóng và phát triển. Kể từ đây, cách mạng có bước chuyển mới về tư duy: người Việt Nam bắt đầu cuộc giải phóng và phát triển bằng đổi mới tư duy, bằng giác ngộ lý luận chứ không phải bằng hành động “truyền hịch, dựng cờ khởi nghĩa” như xưa. Như vậy, “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” là quy luật vận động của thực tiễn chính trị xã hội Việt Nam qua những trải nghiệm tìm kiếm, sàng lọc. Nó được xác định từ nhiều vận động dích dắc của lịch sử cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và thực sự chuyển biến từ quá trình đổi mới tư duy đầu tiên mà Hồ Chí Minh là người khởi dẫn./. PGS.TS Nguyễn An Ninh Theo Tạp chí Tuyên giáo

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docĐộc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.doc
Tài liệu liên quan