Đổi mới cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ

Cơ chế tài chính cho khoa học và công nghệ (KH&CN) ở nước ta hiện nay còn bất cập, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sáng tạo của nhà khoa học. Đây là vấn đề đang có nhiều tranh luận, thu hút sự quan tâm của cả giới quản lý, giới khoa học và xã hội. Bài viết dưới đây, tác giả đưa ra một số quan điểm và định hướng chính nhằm đổi mới cơ chế tài chính, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động KH&CN.

doc8 trang | Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 1356 | Lượt tải: 0download
Nội dung tài liệu Đổi mới cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỔI MỚI CƠ CHẾ TÀI CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG KH&CN Cơ chế tài chính cho khoa học và công nghệ (KH&CN) ở nước ta hiện nay còn bất cập, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sáng tạo của nhà khoa học. Đây là vấn đề đang có nhiều tranh luận, thu hút sự quan tâm của cả giới quản lý, giới khoa học và xã hội. Bài viết dưới đây, tác giả đưa ra một số quan điểm và định hướng chính nhằm đổi mới cơ chế tài chính, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động KH&CN. Ở nước ta hiện nay, cơ chế tài chính trong hoạt động KH&CN đang là chủ đề của những cuộc tranh luận chưa phân thắng bại giữa các nhà quản lý và các nhà khoa học. Các nhà quản lý đánh giá đầu tư cho KH&CN ở nước ta mang lại hiệu quả không cao; còn các nhà khoa học thì khẳng định rằng, cơ chế quản lý tài chính hiện nay đang làm lãng phí thời gian, thậm chí làm phương hại đến lao động sáng tạo của giới khoa học và biến các nhà khoa học thành những người chỉ lo chạy chứng từ. Trong các cuộc tranh luận, cả hai bên đều khẳng định, đây là vấn đề ai cũng thấy, ai cũng biết, nhưng chưa bên nào đưa ra được lời giải thỏa đáng. Các nhà quản lý cho rằng, cần phải quản lý chặt đồng vốn do Nhà nước bỏ ra; còn các nhà khoa học cho rằng, họ cần có hành lang thỏa đáng để quyết định việc chi tiêu trong hoạt động của mình. Việc thảo luận, bàn bạc thường theo quan điểm dung hòa để mỗi bên thấy có thể chấp nhận được. Nhưng sau những kết luận mang tính dung hòa đó thì việc thực hiện vẫn không được như mong đợi và cuộc tranh luận lại bắt đầu từ đầu theo vòng luẩn quẩn. Dưới đây, chúng tôi xin trình bày một số quan điểm liên quan tới việc đổi mới cơ chế tài chính trong KH&CN. Đổi mới nhận thức về hoạt động KH&CN Cần nhận thức đúng về hoạt động KH&CN. Hiện nay, nhiều nhà quản lý đánh đồng hoạt động KH&CN với hoạt động dịch vụ công như hoạt động y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao; hoạt động dịch vụ như thông tin, du lịch, giao thông vận tải; thậm chí như hoạt động sản xuất kinh doanh trong công - nông - thương nghiệp. Cũng có nhiều nhà quản lý khẳng định, hoạt động KH&CN là hoạt động của một “lực lượng sản xuất”, nghĩa là phải tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Lại có những người cho rằng, hoạt động KH&CN như một thứ “trang sức” làm đẹp cho xã hội. Xuất phát từ các nhận thức khác nhau và chưa đúng đắn đó là những quan điểm khác nhau về đầu tư cho KH&CN cũng như đòi hỏi khác nhau về hiệu quả của sự đầu tư đó. Theo chúng tôi, hoạt động KH&CN là một hoạt động đặc thù, lấy sự sáng tạo làm mục đích chủ đạo. Vì thế, phải có cơ chế quản lý tài chính riêng cho hoạt động KH&CN phù hợp với đặc thù đó. Ở nhiều quốc gia, người ta đang có xu thế hợp nhất ba khái niệm: Khoa học (Science), Công nghệ (Technology) và Đổi mới (Innovation) trong một ngành và thực hiện quản lý thống nhất thông qua một bộ trong chính phủ. Cần có sự thay đổi cơ bản trong quan niệm về sản phẩm KH&CN. Do đặc thù của hoạt động KH&CN lấy mục đích sáng tạo là chính, nên sản phẩm của hoạt động KH&CN gồm có 3 loại: Thứ nhất là các công bố khoa học dưới dạng các bài báo gốc trình bày các kết quả mới được công bố trên các tạp chí uy tín có sự phản biện của các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn; thứ hai là các bằng phát minh sáng chế được bảo hộ trong và ngoài nước bởi các cơ quan chuyên nghiệp; thứ ba là những nghiên cứu ứng dụng, thực chất là việc thử nghiệm các kết quả có sẵn ở điều kiện cụ thể nào đó, đặc biệt là điều kiện trong nước. Khi so sánh hiệu quả hoạt động KH&CN của các quốc gia, người ta chỉ tính số lượng trung bình các công bố, chỉ số tác động hay chỉ số trích dẫn của chúng được tính theo số lượng nhà khoa học làm công tác nghiên cứu. Số lượng các bằng phát minh sáng chế cũng là chỉ số để so sánh. Ở nước ta, các nhà quản lý và khoa học đều còn né tránh việc sử dụng các chỉ số nêu trên, coi nặng loại nghiên cứu ứng dụng. Những tiêu chí mà chúng ta nêu ra trong khi đánh giá đề tài không có tính định lượng, không theo thông lệ quốc tế. Một số tiêu chí đánh giá các nhà khoa học thông qua số lượng đề tài, bài báo trong quá trình xét phong học hàm thì còn khá rườm rà, mang nặng tính liệt kê, dễ tạo ra khe hở cho sự lách luật. Sự đổi mới về nhận thức sẽ dẫn đến những đổi mới trong nguyên tắc quản lý và đầu tư cho hoạt động KH&CN. Nguyên tắc số một là tiến hành đầu tư tập trung. Với một quốc gia còn nghèo như nước ta, có thể nêu một nguyên tắc chung là “có nhiều thì làm nhiều có ít thì làm ít”, nhưng phải tập trung, nhất quyết không chia đều, trải rộng. Sự đầu tư theo nguyên tắc bình quân chỉ đem lại sự yên ổn mang tính chính trị, nhưng xét về hiệu quả lại là nguyên nhân gây lãng phí. Quán triệt được nguyên tắc tập trung, tức là chỗ nào cần thiết, nơi nào đã làm tốt thì được tập trung đầu tư nhiều, mạnh dạn bỏ qua chỗ yếu. Điều này cần có sự nhạy bén và quyết đoán của người làm công tác quản lý và lãnh đạo. Nguyên tắc thứ hai là đầu tư tới hạn cho hoạt động KH&CN. Sản phẩm khoa học khó cân đo đong đếm bằng các đại lượng đo lường cụ thể, vì thế khó xác định mức tới hạn để mà đầâu tư. Không thể đầu tư cho ngành giao thông làm một nửa hay hai phần ba cây cầu rồi để đó, nhưng trong nghiên cứu khoa học thì hiện tượng giảm, rút kinh phí đề tài so với đề xuất là phổ biến, không cần biết có hoàn thành hay không. Ngoài ra, cũng cần có sự thông thoáng trong cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động KH&CN, tránh tình trạng máy móc, cứng nhắc như hiện nay. Có thể dùng một cụm từ “chặt chẽ theo hạng mục, linh động trong chi tiết”, nghĩa là người thực hiện có thể điều chỉnh trong phạm vi hạng mục những chi tiết cụ thể về số lượng, chất lượng theo yêu cầu phát sinh. Các nước tiên tiến trên thế giới đều quản lý theo nguyên tắc đó. Con người là yếu tố số một trong mọi hoạt động xã hội, trong đó có hoạt động quản lý KH&CN. Muốn đổi mới, trước hết phải mạnh dạn đổi mới cách tuyển chọn người làm quản lý. Các quốc gia tiên tiến tạo nguồn nhân lực quản lý bằng cách: Đào tạo chuyên nghiệp; điều động luân chuyển cán bộ từ các cơ sở hoạt động KH&CN; thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ tại chỗ. Ở nước ta, việc này làm còn thiếu bài bản, thiếu tính chuyên nghiệp. Vì thế, nhiều khi cách thức quản lý bị ảnh hưởng theo cách quản lý của một ngành nghề nào đó, khiến cho việc thực hiện trở nên bất cập. Đổi mới nguyên tắc và cơ chế đầu tư tài chính cho KH&CN Theo khía cạnh tài chính thì hoạt động KH&CN cần có sự phân định rõ giữa hoạt động nghiên cứu khoa học và hoạt động sáng tạo công nghệ. Hoạt động nghiên cứu khoa học trong mọi thời đại, ở mọi quốc gia đều là hình thức tiêu tiền, dù đó là nguồn tiền nào - đa phần là nguồn tài chính công hoặc một phần tài chính do các công ty/hãng bỏ ra để đầu tư cho nghiên cứu dài hạn. Khó có thể đưa ra ví dụ về việc nghiên cứu khoa học làm ra tiền. Như vậy, cần có cơ chế đặc thù cho hoạt động nghiên cứu khoa học và thước đo hiệu quả của hoạt động này chỉ là số lượng các công trình công bố trên các tạp chí chuyên ngành. Nguyên tắc cơ bản để hoạch định chính sách cho hoạt động loại này là “kế hoạch tuân theo khả năng tài chính”. Vì vậy, cơ chế tài chính chủ yếu là cơ chế cấp phát và biện pháp quản lý chủ yếu tập trung cho quản lý việc chi ngân sách. Và nếu đã là cấp phát thì người dùng tiền phải tuân thủ mọi quy định - dù là ngặt nghèo của cơ quan quản lý. Hoạt động sáng tạo công nghệ không những chỉ tạo ra công nghệ, có khả năng đăng ký phát minh sáng chế, mà còn có thể mua bán trên thị trường công nghệ và có thể tạo ra nguồn thu tài chính. Chính sách tài chính đối với loại hoạt động này cần có sự minh bạch giữa thu và chi. Ngoài ra, cũng cần có sự rõ ràng trong nguyên tắc phân chia các khoản thu trong hoạt động chuyển giao, mua bán công nghệ. Ở các quốc gia tiên tiến thì phần nghiên cứu sáng tạo công nghệ sẽ được cấp hay ứng vốn, phần đăng ký bảo hộ phát minh sáng chế thường phải vận động các doanh nghiệp tham gia góp vốn sau khi ký văn bản thỏa thuận với tác giả, cơ quan chủ trì. Trong trường hợp công nghệ được thương mại hóa thì tác giả, cơ quan chủ trì và doanh nghiệp phải thuân thủ các thỏa thuận trước đây về phân chia quyền lợi theo pháp luật. Tuy nhiên, giữa nghiên cứu khoa học và sáng tạo công nghệ có mối liên hệ “nhân quả” khăng khít với nhau, nhưng trong quản lý, đặc biệt là quản lý tài chính thì sự tách bạch giữa “nhân” và “quả” lại là cần thiết, không thể coi việc nghiên cứu tìm kiếm loài phong lan mới ở Cúc Phương có cùng một tính chất và mục đích như hoàn thiện công nghệ chế tạo máy ảnh kỹ thuật số được, đó là hai việc khác nhau. Loại hình hoạt động KH&CN thứ ba mang nặng tính ứng dụng là hình thức vườn ươm doanh nghiệp (Business incubator) đang được thực hiện ở nhiều quốc gia. Đây là nơi các công ty khởi nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hình thành và phát triển. Những cố gắng theo hướng này ở nước ta cũng đang trong thời kỳ khởi động, không tránh khỏi những vướng mắc, khó khăn về ý tưởng sản phẩm, vốn đầu tư và chính sách hỗ trợ. Khi nào thì công ty khởi nghiệp được hỗ trợ tài chính từ nguồn tài chính công? Đối với lĩnh vực KH&CN tính ưu việt của sản phẩm hay công nghệ do công ty khởi nghiệp tạo ra so với sản phẩm đang có sẽ là tiêu chí quyết định sự cần thiết được hỗ trợ hay không. Phương thức cấp phát, thanh toán cũng cần có sự đổi mới. Cần có phân bổ cụ thể, quy định rõ ràng về hạng mục ưu tiên tập trung đầu tư nghiên cứu cơ bản, nâng cao trình độ; hạng mục cần tập trung dứt điểm để hoàn thành quy trình, phát minh sáng chế; hạng mục cần có sản phẩm cụ thể. Cơ chế, chính sách là công cụ quản lý của Nhà nước, công cụ tốt và dùng đúng thì sẽ tạo ra những sản phẩm tốt. Hiện nay, khi nước ta mở cửa hội nhập, việc chọn lựa cách thức làm đúng phụ thuộc nhiều vào yếu tố chủ quan của đội ngũ cán bộ quản lý. Tuy nhiên, khi tiến hành chọn lựa, chúng ta còn thiếu phương pháp khoa học, chưa thực sự khách quan và thiếu tính chuyên nghiệp, vì thế cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, thiếu tính khả thi. Khắc phục được những tồn tại trên thì chúng ta sẽ tìm ra được cách làm đúng và đồng tiền của nhân dân sẽ được tiêu một cách có hiệu quả (kể cả trong việc làm thỏa mãn sự tò mò khám phá của những người làm nghiên cứu khoa học). 7/2008

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docdoi_moi_co_che_tai_chinh_trong_hoat_dong_kh.doc
Tài liệu liên quan