Một vài suy nghĩ về chiến lược con người ở nước ta hiện nay

Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những luận điểm cơ bản hết sức khoa học về bản chất con người và vai trò của con người với tư cách là chủ thể sáng tạo lịch sử. Vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về con người, Đảng ta trong thời kỳ đổi mới đã hết sức coi trọng vấn đề con người và chiến lược con người, đặt con người ở trung tâm của mọi sự phát triển. Đó là tư tưởng tất cả vì con người, tất cả do con người – tư tưởng xuyên suốt thời kỳ đổi mới và là một trong những nhân tố quan trọng làm nên thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới.

doc5 trang | Chia sẻ: zimbreakhd07 | Lượt xem: 1978 | Lượt tải: 4download
Nội dung tài liệu Một vài suy nghĩ về chiến lược con người ở nước ta hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ CHIẾN LƯỢC CON NGƯỜI Ở NƯỚC TA HIỆN NAY SOME IDEAS ON CURRENT HUMAN STRATEGIES OF OUR COUNTRY NGUYỄN THỊ KIM BÌNH Đại học Đà Nẵng TÓM TẮT Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những luận điểm cơ bản hết sức khoa học về bản chất con người và vai trò của con người với tư cách là chủ thể sáng tạo lịch sử. Vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về con người, Đảng ta trong thời kỳ đổi mới đã hết sức coi trọng vấn đề con người và chiến lược con người, đặt con người ở trung tâm của mọi sự phát triển. Đó là tư tưởng tất cả vì con người, tất cả do con người – tư tưởng xuyên suốt thời kỳ đổi mới và là một trong những nhân tố quan trọng làm nên thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới. ABSTRACT The founders of Marxism-Leninism and President Ho Chi Minh have their great basic theories about human roles and nature and his capacity as the subject of historical creation. Applying creatively Marxist-Leninist views and Ho Chi Minh ideologies about human beings, in the renovation period, our Party has attached much importance to human problems and strategies, and set human beings in the centre of all developments. It is the set of ideas: all for human beings’ sake, all by human beings – It has penetrated the renovation period and is one of the important factors leading to the great achievements in the renovation period. Trong Bản luận cương nổi tiếng về L. Phoi ơ bắc C. Mác viết “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội” [2, 257]. Luận điểm trên của chủ nghĩa Mác về bản chất con người đã khắc phục được những hạn chế trong quan niệm về con người của chủ nghĩa duy vật siêu hình và chủ nghĩa duy tâm, đồng thời đã đặt nền tảng cho quan điểm duy vật lịch sử trong việc xem xét con người. Lần đầu tiên trong lịch sử triết học, Mác đã xem xét vấn đề bản chất con người từ hoạt động thực tiễn, từ quan hệ hiện thực của con người. Như vậy, quan điểm của C.Mác đã cho chúng ta một phương pháp luận khoa học trong việc nhìn nhận, đánh giá con người trong tổng hoà các quan hệ xã hội hiện thực. Khẳng định vai trò của con người, C.Mác viết: “Xã hội sản xuất ra con người với tính cách như thế nào thì nó sản xuất ra xã hội như thế ấy” [1, 130]. Kế thừa tư tưởng của C. Mác, Lênin cũng khẳng định vai trò quyết định của con người: “Lực lượng sản xuất hàng đầu của toàn nhân loại là người công nhân, người lao động” [12, 130]. Tư tưởng cơ bản về con người của các nhà kinh điển nêu trên đến Hồ Chí Minh được phát triển thành luận điểm: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa” [11, 13]. Đó cũng là những luận điểm có tính nền tảng của chiến lược con người trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Ở nước ta trong cách mang xã hội chủ nghĩa hiện nay, chiến lược con người được đặt ra như một đòi hỏi tất yếu và cấp bách của sự phát triển đất nước và là nguồn lực quyết định để đẩy mạnh công cuộc đổi mới. Tư tưởng về chiến lược con người của Đảng ta, đương nhiên phải được đặt trên cơ sở lý luận triết học về con người và bản chất con người của chủ nghĩa Mác – Lênin, trong đó tư tưởng của C.Mác luôn luôn là nền tảng. Nhưng chủ nghĩa xã hội và con người mới xã hội chủ nghĩa qua thực tiễn thành bại của chủ nghĩa xã hội hiện thực đã chứng tỏ, phải là sản phẩm đích thực, là thành quả mang dấu ấn lịch sử của từng nước, từng dân tộc. Ở Việt Nam, thực tiễn lịch sử đã chứng tỏ cùng với Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng, do vậy điều hoàn toàn hợp quy luật là toàn bộ sự nghiệp cách mạng và tiến trình lịch sử xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta đã in đậm dấu ấn của tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng về con người. Có thể khẳng định “kế thừa tinh hoa truyền thống, tiếp thu và vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã nâng tư tưởng về con người lên một tầm cao mới” [13, 3] hình thành nên chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh không bao giờ xem xét con người một cách trừu tượng mà luôn luôn xuất phát từ con người hiện thực cụ thể trong các quan hệ xã hội với nhiều bình diện, nhiều chiều khác nhau: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người” [10, 664]. Đặc biệt ở Hồ Chí Minh, bên cạnh những khái niệm phổ quát như giai cấp công nhân, giai cấp vô sản, nhân dân lao động, chúng ta đã thấy xuất hiện thêm các khái niệm mới: “Người nô lệ mất nước”, “Người cùng khổ”. Theo nhận xét của nhiều nhà nghiên cứu, đấy là những khái niệm xuất hiện đầy ấn tượng và là một cách tiếp cận riêng của Hồ Chí Minh trong quan niệm về con người. Có thể khẳng định: “Cách tiếp cận cơ bản nhất của Hồ Chí Minh vẫn là đặt con người trong mối quan hệ với cộng đồng dân tộc” [13, 31]. Bởi vì hơn bất cứ ai, Hồ Chí Minh “luôn luôn ở trong lòng nhân dân, đập cùng một nhịp tim, chia cùng một mức sống, mang cùng một truyền thống anh hùng… với nhân dân. Hồ Chí Minh gắn bó với con người, với nhân dân từ trong khối óc và con tim, trọn vẹn suốt cuộc đời” [13, 28]. Sinh thời, Hồ Chí Minh ít dùng khái niệm con người, nhưng khi nói đến con người Hồ Chí Minh đã có những quan điểm nhân văn sâu sắc. Trong lời kêu gọi của báo “Người cùng khổ” số ra đầu tiên, Hồ Chí Minh đã viết rằng sứ mệnh của báo là “giải phóng con người”; còn trong Di chúc thì Người dặn lại: “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Vậy là, “Khái niệm con người tựa hồ như đã mở ra và khép lại quá trình tư duy và hoạt động của Hồ Chí Minh. Suốt quá trình ấy, vấn đề giải phóng dân tộc, đem lại tự do, hạnh phúc cho con người và xây dựng rèn luyện con người bao giờ cũng là trung tâm của tư duy, mục tiêu của hoạt động yêu nước và cách mạng của Hồ Chí Minh” [13, 31]. Giương cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã nhận thức một cách đúng đắn về chiến lược con người và khẳng định bằng Nghị quyết, chủ trương và chính sách thật sự coi trọng con người, coi con người là nhân tố có tính quyết định để xây dựng thành công xã hội mới. Xuất phát từ ý nghĩa thực tiễn đó, để đạt được mục tiêu xây dựng một xã hội: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tự do, hạnh phúc, Đảng ta rất chú trọng đến việc phát huy nhân tố con người và coi đây là mục tiêu động lực của toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Từ đại hội VI – Đại hội đổi mới, Đảng ta đã chú trọng đến quyền làm chủ của nhân dân lao động “thực chất là tôn trọng con người, phát huy sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, hướng sự sáng tạo đó vào sự nghiệp xây dựng xã hội mới” [4, 113]. Quyền làm chủ là hạnh phúc lớn nhất, đồng thời là cái cao đẹp nhất của con người. “Hạnh phúc là từng bước thực hiện quyền làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân, mọi người cùng nhau lao động và đấu tranh cho sự phát triển của cộng đồng xã hội để có đủ cơm no, áo ấm, đồng thời có cuộc sống vui tươi, lành mạnh, bình đẳng và hoà hợp trong lao động tự do, tình thương và lẽ phải, mỗi người được phát triển đầy đủ nhân cách, tài năng và năng khiếu của mình, trong mối quan hệ hài hoà giữa cá nhân, gia đình và xã hội, thực hiện đạo lý cao cả. “Mỗi người vì mọi người; mọi người vì mỗi người” [3, 93]. “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do cho tất cả mọi người”. Tự do chân chính là điều kiện để con người tự giải phóng. Con người muốn tự giải phóng đòi hỏi phải có tri thức, nắm bắt được quy luật khách quan, có năng lực, có phẩm chất. Vì vậy, đào tạo con người phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức là động lực mạnh mẽ nhất để xây dựng xã hội mới, đồng thời là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, mọi chủ trương, chính sách của Đảng ta đều chú trọng đến việc chăm lo bồi dưỡng phát huy nhân tố con người. Trong văn kiện đại hội lần thứ VII của Đảng có viết: “Đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, coi đó là quốc sách hàng đầu để phát huy nhân tố con người – động lực trực tiếp của sự phát triển” [5,121]. Đến Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khoá VII, Đảng ta lại nhấn mạnh: “Con người là vốn quý nhất, chăm lo hạnh phúc con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta… Chúng ta cần tìm hiểu sâu sắc những giá trị lớn lao và ý nghĩa quyết định của nhân tố con người, chủ thể của mọi sáng tạo, mọi nguồn gốc của cải vật chất và văn hoá, mọi nền văn minh của các quốc gia, phải xuất phát từ tinh thần nhân văn sâu sắc nhằm phát triển con người toàn diện, xây dựng một xã hội công bằng, nhân ái thiết lập quan hệ thật sự tốt dẹp và tiến bộ giữa con người và con người trong sản xuất và trong đời sống” [9, 5]. Tất cả điều đó, xét đến cùng là vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân mà Đảng ta luôn quan tâm, là sự thể hiện tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh trong hiện thực cuộc sống. Với Đại hội VIII của Đảng, đất nước chuyển hẳn sang thời kỳ phát triển mới. Những thành tựu to lớn, nhiều mặt của hơn 10 năm đổi mới đất nước không chỉ đưa đất nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội mà còn tạo nên những điều kiện và tiền đề cần thiết để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tư tưởng chủ đạo của chiến lược con người của Đại hội VIII là thực hiện “chính sách xã hội đúng đắn vì hạnh phúc con người là động lực to lớn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội” [6, 28]. Vấn đề con người và chiến lược con người đã được Đại hội VIII của Đảng cụ thể hoá thành các quốc sách lớn thích ứng với những yêu cầu mới của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đó là các chính sách nhằm phát huy nguồn lực con người và thực hiện công bằng xã hội. Mục đích cao nhất của hệ thống chính sách này nhằm phát triển trí tuệ của người Việt Nam, nguồn vốn quyết định nhất, quý giá nhất của chúng ta trong sự nghiệp đổi mới đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Khi công cuộc đổi mới đất nước đang đi dần vào chiều sâu và phải giải quyết những nhiệm vụ hết sức to lớn và phức tạp thì Đảng ta chủ trương bằng mọi giá phải “khơi dậy trong nhân dân lòng yêu nước, ý chí quật cường, phát huy tài trí của người Việt Nam, quyết tâm đưa nước nhà ra khỏi nghèo nàn và lạc hậu bằng khoa học và công nghệ” [6, 107]. Tiếp tục một cách nhất quán tư tưởng chiến lược con người của thời kỳ đổi mới, đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng khẳng định: xã hội ta là xã hội vì con người và coi con người luôn luôn giữ vị trí trung tâm của phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội. Con người, trước hết là tiềm năng và sức mạnh trí tuệ, tinh thần đạo đức là nhân tố quyết định và là vốn quý nhất của chúng ta trên con đường xây dựng CNXH. Chính vì vậy đại hội IX chủ trương: chiến lược con người phải nằm ở vị trí trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế- xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Các chủ trương chính sách nhằm phát huy nhân tố con người theo tinh thần đại hội IX là xuất phát từ quan điểm cho rằng nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử, là chủ nhân thực sự của xã hội, là chủ thể của mọi hoạt động kinh tế, văn hoá xã hội và mục tiêu của toàn bộ sự nghiệp cách mạng là phục vụ nhân dân. Quan điểm đúng đắn đó được thể hiện ở chủ trương “phát triển giáo dục đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người – yếu tố cơ bản để phạt triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững” [8, 108] và “mọi hoạt động văn hoá nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện… văn hoá trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, kế thừa truyền thống cách mạng của dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường xây dựng và bảo vệ tổ quốc” [7, 114]. Thực tiễn của quá trình cách mạng Việt Nam cũng chứng tỏ rằng trong những thời điểm lịch sử hiểm nghèo, trong những tình thế hết sức khó khăn, con người Việt Nam đều rất sáng tạo, năng động và luôn luôn tìm ra những lối thoát, những đường hướng đi lên làm kinh ngạc cả bạn bè quốc tế. Thực tiễn lịch sử cũng minh chứng: thời kỳ nào, cách mạng biết phát huy mạnh mẽ nhân tố con người, tạo mọi điều kiện cho hoạt động sáng tạo của con người thì con người Việt Nam luôn biết "chuyển bại thành thắng", chuyển từ tình thế khó khăn thành lợi thế phát triển mới trong đó con người là động lực trung tâm. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, tiềm năng sáng tạo to lớn của con người Việt Nam đã và đang được phát huy mạnh mẽ. Tuy nhiên, có thể nhận thấy tiềm năng trí tuệ của con người Việt Nam mà chúng ta chưa khai thác hết vẫn còn rất lớn. Thực tiễn đổi mới cho thấy, chỉ với một cơ chế khoán 10 mà giai cấp nông dân Việt Nam đã phát huy tính năng động sáng tạo ghê gớm đủ sức làm thay đổi căn bản bộ mặt của nền nông nghiệp nước nhà. Với đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ, đội ngũ trí thức khá đông đảo và giàu tiềm năng như hiện nay rất cần có một cơ chế như "khoán 10" làm bật dậy và bừng sáng trí tuệ Việt Nam trong thời đại kinh tế tri thức. Như vậy vấn đề mấu chốt là ở cơ chế, chính sách. Chỉ cần xây dựng được hệ thống cơ chế, chính sách thích hợp (đương nhiên đây là vấn đề cực kỳ phức tạp) là sẽ khơi thông được nguồn lực con người cả ở trong nước và ngoài nước, cả tài lực và trí lực dường như vô tận. Điều đó sẽ tạo nên nội lực vô cùng mạnh mẽ, đưa đất nước tiến nhanh và sớm về đích trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng XHCN. Bước vào thế kỷ XXI, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, với những quan điểm và chủ trương đúng đắn của Đảng về chiến lược con người thời kỳ đổi mới, tiềm năng sáng tạo to lớn của con người Việt Nam đang ngày càng được khơi dậy, được nhân lên và phát triển, tạo ra nguồn lực nội sinh quyết định sự phát triển của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta hiện nay, khi mà nguồn lực tài chính và vật chất còn nhiều hạn hẹp và trong thời đại kinh tế trí thức hiện nay, nguồn lực con người với tiềm năng và năng lực sáng tạo vô cùng phong phú đang ngày càng trở thành nguồn gốc quan trọng nhất của sự giàu có và phát triển toàn diện đất nước. TÀI LIỆU THAM KHẢO C. Mác, Bản thảo kinh tế - triết học 1844, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1962. C. Mác và Ph.Ăngghen Tuyển tập, tập 1, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1980. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện ĐH Đại biểu toàn quốc lần thứ V, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1982. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện ĐH Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1987. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện ĐH Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1991. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện ĐH Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1996. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện ĐH Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện ĐH Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội Nghị Trung ương 4 khoá VII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995. Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1970. Lênin toàn tập, tập 38, Nxb Tiến bộ, M., 1977. Lê Sĩ Thắng (chủ biên), Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người và chính sách xã hội, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docntk-binh.doc