Cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng đề cương chi tiết học phần “Công tác xã hội với người cao tuổi”: Nghiên cứu tại trường Đại học Đà Lạt

Over a century of establishment and development, in Vietnam, the field of

applied social work science has had a system of theoretical knowledge, fields

of action and methods, skills, reality on a relatively complete basis. However,

compiling and updating textbooks of specialized subjects is an important and

urgent task. The paper researches the practical basis for building a detailed

outline of the social work module with the elderly at university level. The

content of the research will be the basis for the curriculum of social work with

the elderly for university students majored in social work at Da Lat

University.

pdf5 trang | Chia sẻ: Thục Anh | Ngày: 13/05/2022 | Lượt xem: 344 | Lượt tải: 0download
Nội dung tài liệu Cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng đề cương chi tiết học phần “Công tác xã hội với người cao tuổi”: Nghiên cứu tại trường Đại học Đà Lạt, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VJE Tạp chí Giáo dục, Số 492 (Kì 2 - 12/2020), tr 60-64 ISSN: 2354-0753 60 CƠ SỞ THỰC TIỄN CHO VIỆC XÂY DỰNG ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT HỌC PHẦN “CÔNG TÁC XÃ HỘI VỚI NGƯỜI CAO TUỔI”: NGHIÊN CỨU TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT Võ Thuấn+, Hồ Ngọc Châu Trường Đại học Đà Lạt +Tác giả liên hệ ● Email: thuanv@dlu.edu.vn Article History Received: 15/11/2020 Accepted: 08/12/2020 Published: 20/12/2020 Keywords social work, curriculum, the elderly, detailed outline. ABSTRACT Over a century of establishment and development, in Vietnam, the field of applied social work science has had a system of theoretical knowledge, fields of action and methods, skills, reality on a relatively complete basis. However, compiling and updating textbooks of specialized subjects is an important and urgent task. The paper researches the practical basis for building a detailed outline of the social work module with the elderly at university level. The content of the research will be the basis for the curriculum of social work with the elderly for university students majored in social work at Da Lat University. 1. Mở đầu Công tác xã hội (CTXH) là một nghề thực hành vào lĩnh vực học thuật thúc đẩy biến đổi xã hội, phát triển xã hội, cố kết xã hội và tăng cường việc trao đổi, giải phóng con người. Trọng tâm của CTXH là các nguyên tắc về công bằng xã hội, quyền con người, trách nhiệm tập thể và tôn trọng sự khác biệt. Được xây dựng trên nền tảng các lí thuyết CTXH, khoa học xã hội, nhân văn và các tri thức bản địa, CTXH thu hút con người và các tổ chức vào việc giải quyết các thách thức trong cuộc sống con người và củng cố an sinh (Nguyễn Thị Như Trang và Trần Văn Kham, 2017, tr 19). CTXH thúc đẩy sự phát triển và sự liên kết xã hội. Giá trị cốt lõi của CTXH là nhằm trợ giúp các cá nhân, nhóm, cộng đồng tạo được sự biến đổi về điều kiện sống, các khía cạnh về tâm lí, xã hội nhằm đạt được sự phát triển bền vững. Các nguyên tắc cơ bản của CTXH là vấn đề nhân quyền, trách nhiệm tập thể và công bằng xã hội. CTXH với người cao tuổi (NCT) là một trong những lĩnh vực của CTXH; trong đó, nhân viên CTXH sử dụng những kiến thức, phương pháp, kĩ năng, giá trị, đạo đức nghề nghiệp CTXH đối với NCT dựa trên những nghiên cứu về các khía cạnh xã hội, tâm lí, văn hóa, sinh học và tinh thần của NCT (Võ Thuấn và Phạm Văn Tư, 2018, tr 24). Bài báo nghiên cứu và trình bày cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng đề cương chi tiết học phần CTXH với NCT bậc đại học. Nghiên cứu được tiến hành tại Trường Đại học Đà Lạt, tập trung vào các nội dung sau: - Cơ sở lí luận về NCT; - Vai trò và kĩ năng cơ bản của nhân viên CTXH với NCT thông qua hệ thống chính sách, pháp luật, chương trình về NCT; - Các mô hình hỗ trợ NCT; - Đánh giá nhu cầu và các hoạt động CTXH hỗ trợ NCT. 2. Kết quả nghiên cứu Học phần CTXH với NCT thuộc khối kiến thức ngành, được giảng dạy trong học kì 8, năm thứ 4 trình độ đại học tại Trường Đại học Đà Lạt. Học phần trang bị những kiến thức, kĩ năng, thái độ, giá trị đạo đức CTXH với NCT để người học sau khi ra trường có thể làm nhân viên CTXH trong các cơ quan, tổ chức cung cấp các dịch vụ phúc lợi, an sinh xã hội cho NCT (như: các cơ sở xã hội, Trung tâm bảo trợ xã hội, Trung tâm CTXH, Trung tâm chăm sóc NCT). Đây là một trong những lĩnh vực hoạt động quan trọng của nghề nghiệp chuyên môn CTXH. 2.1. Quan niệm về người cao tuổi 2.1.1. Người cao tuổi, công tác xã hội với người cao tuổi Già hóa dân số là một trong những xu hướng quan trọng nhất của thế kỉ XXI. Điều này có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng lớn đến tất cả các khía cạnh của xã hội. Trên thế giới, cứ một giây thì có hai người tổ chức sinh nhật tròn 60 tuổi - trung bình một năm có gần 58 triệu người tròn 60 tuổi; cứ 9 người có một người từ 60 tuổi trở lên và con số này dự tính đến năm 2050 sẽ tăng lên là cứ 5 người sẽ có một người từ 60 tuổi trở lên (UNFPA, 2012, tr 3). Năm 1950, toàn thế giới có 205 triệu người từ 60 tuổi trở lên. Đến năm 2012, số NCT tăng lên đến gần 810 triệu người. Dự tính con số này sẽ đạt 1 tỉ người trong vòng gần 10 năm nữa và đến năm 2050 sẽ tăng gấp đôi là 2 tỉ người. Có sự khác biệt lớn giữa các vùng, chẳng hạn, năm 2012, châu Phi có 6% dân số tuổi từ 60 trở lên, trong khi con số này ở châu Mĩ Latinh và vùng biển Caribe là 10%, ở châu Á là 11%, châu Đại dương là 15%, Nam Mĩ là 19% và châu VJE Tạp chí Giáo dục, Số 492 (Kì 2 - 12/2020), tr 60-64 ISSN: 2354-0753 61 Âu là 22%. Đến năm 2050, dự báo tỉ trọng NCT từ 60 tuổi trở lên ở châu Phi sẽ tăng lên chiếm 10% tổng dân số, so với 24% ở châu Á, 24% ở châu Đại dương, 25% ở châu Mĩ La tinh và vùng biển Caribe, 27% ở Nam Mĩ và 34% ở châu Âu (UNFPA, 2012, tr 5). Trên toàn cầu, phụ nữ chiếm đa số trong dân số cao tuổi; cứ 100 phụ nữ từ 60 tuổi trở lên thì chỉ có 84 nam giới; cứ 100 phụ nữ từ 80 tuổi trở lên thì chỉ có 61 nam giới. Nam giới và nữ giới trải qua giai đoạn tuổi già khác nhau; mối quan hệ về giới tác động tới toàn bộ quá trình sống, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội một cách liên tục cũng như tích lũy (UNFPA, 2012, tr 5). Nhìn chung, không có ranh giới tuyệt đối cho tuổi già, vì sự “lão hóa” diễn ra ở mỗi cá nhân khác nhau; có người ở tuổi 80 vẫn còn khỏe mạnh về thể lực, minh mẫn về trí tuệ, song cũng có người lại yếu ớt ở độ tuổi 50. Theo quan điểm y học, NCT là người ở giai đoạn “già hóa” gắn liền với việc suy giảm các chức năng của cơ thể. Về mặt pháp luật: Luật Người cao tuổi Việt Nam quy định là: “Tất cả các công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên” (Bộ Tư pháp, 2010, tr 1). Theo WHO: NCT phải từ 70 tuổi trở lên. Một số nước phát triển như Đức, Hoa Kì lại quy định NCT là những người từ 65 tuổi trở lên. Quy định ở mỗi nước có sự khác biệt là do sự khác nhau về lứa tuổi có các biểu hiện về già của người dân ở các nước đó khác nhau. Những nước có hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe tốt thì tuổi thọ và sức khỏe của người dân cũng được nâng cao. Do đó, các biểu hiện của tuổi già thường đến muộn hơn. Vì vậy, quy định về tuổi của các nước đó cũng khác nhau (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 2017, tr 8). CTXH với NCT là một trong những lĩnh vực của CTXH; theo đó, nhân viên CTXH sử dụng những kiến thức, phương pháp, kĩ năng, giá trị, đạo đức nghề nghiệp CTXH đối với NCT dựa trên những nghiên cứu về các khía cạnh xã hội, tâm lí, văn hóa, sinh học và tinh thần của NCT (Võ Thuấn và Phạm Văn Tư, 2018, tr 24). 2.1.2. Thực trạng, xu hướng và tác động của già hóa dân số hiện nay ở Việt Nam Số lượng NCT ngày một gia tăng và Việt Nam đang được xếp vào nhóm nước có tốc độ “già hóa dân số” nhanh trên thế giới. Nếu như ở Pháp việc chuyển từ dân số vàng sang dân số già mất 115 năm, Thụy Điển mất 70 năm thì Việt Nam sẽ chỉ mất 15-20 năm. Hơn nữa, những biến chuyển về cấu trúc gia đình và sự thay đổi do cuộc sống xã hội hiện đại ảnh hưởng đến mọi mặt của NCT ở nước ta (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 2017, tr 9). “Già hóa” là một trong những chỉ số của sự phát triển tại các quốc gia, là thành tựu của quá trình phát triển của nhân loại. Con người sống lâu hơn nhờ các điều kiện tốt hơn về chế độ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn, chăm sóc y tế, tiến bộ y học, trình độ giáo dục, đời sống kinh tế phát triển... Giống như các quốc gia “già hóa”, Việt Nam có tốc độ “già hóa” dân số tăng nhanh chóng vì hệ quả của hai tác nhân nhân khẩu học: gia tăng tuổi thọ và mức sinh giảm; trong đó, tỉ lệ sinh con giảm sút trong những thập kỉ gần đây là lí do quan trọng cho hiện tượng “già hóa dân số”. 2.1.3. Các đặc điểm tâm sinh lí và xã hội của người cao tuổi - Đặc điểm sinh lí: Đến giai đoạn NCT, đặc điểm cơ thể có những thay đổi theo chiều hướng đi xuống, hiện tượng “lão hóa” xuất hiện, các bộ phận trong cơ thể có những suy giảm về chức năng: cường độ trao đổi chất giảm, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hoá, hệ bài tiết, khả năng tình dục đều giảm sút và trì trệ. Độ nhạy cảm của các cơ quan cảm giác kém (mắt mờ, tai nghễnh ngãng), tóc bạc, răng rụng, da nhăn nheo... NCT cũng xuất hiện nhiều bệnh tật khác nhau (huyết áp cao, tai biến mạch máu não, đau đầu, giảm thị lực, loãng xương...) và một số bệnh liên quan đến hệ thần kinh (như Parkinson, Alzheimer) (Bùi Thị Xuân Mai, 2012). - Đặt điểm tâm lí: Khi bước sang giai đoạn này, NCT có những thay đổi tâm lí, dù khác nhau ở từng cá nhân, nhưng tựu trung có những thay đổi thường gặp là: Tính ham hiểu biết vẫn còn, hoạt động tư duy để ra quyết định chậm, nhưng do có nhiều kinh nghiệm, sự trải nghiệm nên quyết định của họ chín chắn. Trí nhớ ngắn hạn kém, nhưng trí nhớ dài hạn còn tốt nên họ thường quên những gì vừa xảy ra nhưng nhớ rất lâu những gì thuộc về quá khứ. Do những ảnh hưởng về mặt xã hội thu hẹp, NCT dễ gặp phải “hội chứng về hưu” (Bùi Thị Xuân Mai, 2012). - Những biểu hiện tâm lí NCT có thể liệt kê như sau: Hướng về quá khứ; sự cô đơn và mong được quan tâm, chăm sóc nhiều hơn; cảm thấy bất lực và tủi thân; nói nhiều hoặc trầm cảm; sợ phải đối mặt với cái chết; tâm lí nghỉ hưu. Với những thay đổi về tâm lí như trên nên một bộ phận NCT sẽ thay đổi tính cách. Tuy nhiên, NCT cũng có nhu cầu chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho các thế hệ trẻ, con cái; có thời gian chăm sóc giáo dục con cháu trong gia đình; NCT có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống nên có cái nhìn bao dung, độ lượng trong cuộc sống... Những yếu tố tích cực này là những điểm mạnh của NCT mà nhân viên CTXH cần hết sức lưu ý để có thể phát huy vai trò tốt đẹp của họ (Võ Thuấn và Phạm Văn Tư, 2018, tr 25). 2.1.4. Vai trò của người cao tuổi trong gia đình và xã hội Với kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình lao động, cống hiến; với những giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ, NCT được coi là nguồn lực quan trọng trong các hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước. VJE Tạp chí Giáo dục, Số 492 (Kì 2 - 12/2020), tr 60-64 ISSN: 2354-0753 62 - Đối với gia đình, NCT là người được xem là “cây cao, bóng cả”, tiếng nói của NCT có tác động mạnh tới hành vi ứng xử của các thành viên trong gia đình; là tấm gương để con cháu noi theo. Kinh nghiệm, kiến thức được NCT tích lũy từ thực tiễn cuộc sống sẽ được truyền đạt lại cho thế hệ sau. Những giá trị sống được NCT xây dựng qua năm tháng cuộc đời ở khía cạnh nào đó có thể không đồng nhất với giá trị của giới trẻ, nhưng cũng có không ít những giá trị sống luôn tồn tại như một quy chuẩn đạo đức mà các thành viên trẻ tuổi trong gia đình cần học tập và noi theo. Sự có mặt của NCT trong gia đình cũng là yếu tố tạo nên sự gắn kết của các thành viên trong gia đình. - Đối với xã hội, NCT cũng được xem như “kho tàng” của tri thức, kinh nghiệm sống; nhiều ý kiến đóng góp của NCT rất có giá trị cho việc hoàn thiện luật pháp, chính sách của Nhà nước. Những bản sắc văn hóa dân tộc được lưu trữ trên “thư viện sống” chính là những NCT mà không sổ sách nào ghi lại được, ví dụ như hát chầu văn, dân ca Nhiều già làng, trưởng bản là những người cao tuổi có vai trò quan trọng trong giải quyết những mâu thuẫn bất đồng trong cộng đồng bởi tiếng nói của họ có sức thuyết phục do kinh nghiệm và sự uyên bác. 2.2. Vai trò và kĩ năng cơ bản của nhân viên công tác xã hội với người cao tuổi 2.2.1. Vai trò của công tác xã hội trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình dự án liên quan tới chăm sóc người cao tuổi Thực chất nghề CTXH là sự kết nối, tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình, dự án và cung cấp các dịch vụ xã hội cho mọi người trong xã hội. Ở Việt Nam, Hiến pháp qua các thời kì quy định việc chăm sóc, trợ giúp NCT như: Hiến pháp năm 1946: Điều 14 quy định: “Những công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ”; Hiến pháp năm 1959: Điều 32 quy định: “Giúp đỡ người già, người đau yếu và tàn tật. Mở rộng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm sức khoẻ và cứu trợ xã hội”; Hiến pháp năm 1992: Điều 64 quy định: “Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con cái. Con cái có trách nhiệm kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ”, Điều 87 quy định: “Người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa được Nhà nước và xã hội giúp đỡ”; Hiến pháp năm 2013: Điều 37 quy định: “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (dẫn theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 2017). Nhà nước cũng có các văn bản pháp luật như: Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân (1989); Luật Lao động (2012); Luật Hình sự (1999) cũng quy định các quyền và nghĩa vụ liên quan đến NCT. Đối với Luật Người cao tuổi (gồm 6 chương, 31 điều), quy định về quyền và nghĩa vụ của NCT; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò NCT; Hội NCT Việt Nam. Đây là Bộ luật quan trọng, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với NCT - tầng lớp xã hội có vai trò truyền thống quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra, hiện nay đã có một số chính sách của Nhà nước được xây dựng nhằm trợ giúp NCT, nhất là NCT cô đơn, không nơi nương tựa như: Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ về Chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ Y tế về Hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Quyết định số 554/QĐ-TTg năm 2015 của Chính phủ lấy tháng 10 hàng năm là “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”; Quyết định số 1781/QĐ-TTg năm 2012 của Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020 Mới nhất, Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1579/QĐ-TTg, ngày 13/10/2020 về Chương trình chăm sóc sức khỏe NCT đến 2030. Hệ thống chính sách, pháp luật, chương trình về NCT đã thể hiện tính hệ thống và đầy đủ của chính sách; tính hợp lí trong việc phân chia theo đối tượng NCT; tính khả thi của chính sách và chính sách trợ giúp xã hội và các quyền của NCT (Trịnh Duy Luân, 2016, tr 26). 2.2.2. Vai trò của nhân viên công tác xã hội với người cao tuổi Nhân viên CTXH làm việc với NCT có các vai trò cơ bản như: - Người cung cấp dịch vụ: Nhân viên CTXH có thể làm việc trực tiếp với NCT (tham vấn, tư vấn cho NCT, chăm sóc sức khỏe, quản lí trường hợp); tổ chức các hoạt động theo nhóm NCT tại các trung tâm CTXH, các câu lạc bộ tại cộng đồng; tham gia các chương trình dự án liên quan đến chăm sóc, bảo vệ NCT. - Người điều phối kết nối dịch vụ: NCT ngày càng đông, xã hội càng phát triển, nhu cầu NCT ngày càng tăng, nhân viên CTXH với số lượng hạn chế và không thể tự mình đáp ứng tất cả các nhu cầu, dịch vụ cho NCT. Vì vậy, họ có thể điều phối, kết nối các nguồn lực, các dịch vụ cho NCT, như: giới thiệu tình nguyện viên, các dịch vụ theo giờ để trợ giúp NCT - Người giáo dục truyền thông: Nhằm cung cấp những kiến thức về các đặc điểm tâm sinh xã hội của NCT và những kĩ năng ứng xử với các thành viên trong gia đình và cộng đồng hay phòng ngừa các bệnh thường gặp của NCT Vì vậy, nhân viên CTXH có thể thực hiện vai trò giáo dục truyền thông cho NCT; sử dụng kiến thức, kĩ năng VJE Tạp chí Giáo dục, Số 492 (Kì 2 - 12/2020), tr 60-64 ISSN: 2354-0753 63 của mình giúp gia đình, cộng đồng, xã hội hiểu được tâm lí NCT, thừa nhận vai trò và tạo môi trường thuận lợi cho NCT vui sống khỏe và cống hiến nhiều hơn cho xã hội. - Người biện hộ: Bao gồm việc phản ánh tiếng nói của NCT lên những cơ quan, tổ chức hoạch định, ban hành chính sách phù hợp, trợ giúp, phát huy vai trò NCT một cách thiết thực. 2.2.3. Một số kĩ năng cơ bản trong làm việc với người cao tuổi Các kĩ năng của nhân viên CTXH khi làm việc với NCT được áp dụng một cách tận tâm và trách nhiệm như: - Kĩ năng lắng nghe: Với NCT, nhân viên CTXH phải biết kiên nhẫn lắng nghe, im lặng, tôn trọng để nghe họ nói, không xen ngang, không tỏ ra nóng nảy, sốt ruột khi họ trình bày. Lắng nghe, quan sát hình thể, ăn mặc, điệu bộ của NCT để có thể ứng xử phù hợp. NCT có thể có gặp khó khăn với việc nghe, nên cần chú ý khả năng thính giác của họ để điều chỉnh âm điệu và độ lớn vừa phải, phù hợp với khả năng thính giác của NCT. - Kĩ năng sử dụng các cử chỉ, điệu bộ phù hợp khi giao tiếp với NCT: Nhân viên CTXH cần lưu ý hành vi cử chỉ khi giao tiếp với NCT bởi sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả giao tiếp và quá trình giúp đỡ NCT; chú ý tư thế ngồi, đứng, cách nói chuyện với NCT cho phù hợp. - Kĩ năng thể hiện sự thấu cảm khi giao tiếp với NCT: Nhân viên CTXH hay người chăm sóc cần hiểu rằng khi tiếp xúc với NCT và họ có thể thường than phiền về những vấn đề xung quanh (sức khỏe, sự cư xử của thành viên trong gia đình...). Vì vậy, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của NCT để hiểu khó khăn của họ, cần có những câu phản hồi ngắn gọn thể hiện sự quan tâm NCT; cảm nhận, hiểu cảm xúc, những điều mà NCT đã trải qua, quan tâm đến nhu cầu của NCT; vần hết sức nhạy cảm và tôn trọng những giá trị, kinh nghiệm sống của NCT. - Kĩ năng chia sẻ, bộc lộ: Nhân viên CTXH có thể chia sẻ một số thông tin trung thực riêng về cá nhân mình nhằm giúp việc tăng cường mối quan hệ hoặc chia sẻ vì lợi ích tốt nhất của NCT chứ không phải là “buôn chuyện”. - Kĩ năng cung cấp thông tin: Do khó khăn trong di chuyển, hạn chế giao tiếp nên họ thường thiếu thông tin. Do vậy, khi tiếp xúc, nhân viên CTXH cần chú ý tới việc chia sẻ những thông tin mà họ quan tâm (thông tin về dinh dưỡng, thể dục, rèn luyện sức khỏe). Nhiều NCT cần có ai đó để chia sẻ, nói chuyện về đời sống hàng ngày, thời sự chính trị... nên nhân viên CTXH cũng cần có những kiến thức, hiểu biết nhất định về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để đáp ứng khi có nhu cầu. - Kĩ năng vận động và kết nối nguồn lực: Đây được coi là một trong những kĩ năng cơ bản, rất quan trọng trong CTXH. Kết nối nguồn lực có thể hiểu ở 3 khía cạnh: kết nối giữa nguồn lực nào đó với NCT; kết nối giữa các nguồn lực khác nhau để cùng giải quyết vấn đề và trợ giúp NCT; vận động và kết nối ngay chính nguồn lực trong cộng đồng (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 2017, tr 54). 2.3. Các mô hình hỗ trợ người cao tuổi Ở Việt Nam hiện nay, có nhiều mô hình hỗ trợ NCT. Các mô hình này do nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện: - Mô hình chăm sóc của các tổ chức Nhà nước (cơ sở y tế; các nhà bảo trợ xã hội) có mức độ, đối tượng bao phủ rộng, có cơ hội cải thiện chất lượng, đặc biệt ở cấp cơ sở, cơ chế quản lí. Tuy nhiên, hệ thống này chưa phát triển theo nhu cầu, hoặc một số dịch vụ theo yêu cầu thì chi phí quá cao, thiếu nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất cao, nhu cầu chăm sóc ngày càng lớn; - Mô hình chăm sóc của tư nhân (nhà dưỡng lão, khu nghỉ dưỡng) có ưu điểm là nguồn nhân lực tốt, năng động trong thu hút nguồn lực, các hoạt động triển khai hiệu quả thu hút ngày càng nhiều đối tượng khi đời sống cải thiện. Tuy nhiên, giá dịch vụ quá cao so với khả năng đáp ứng, mức độ bao phủ còn quá thấp, các hoạt động triển khai còn mang tính tự phát; - Mô hình chăm sóc tại cộng đồng (các chương trình chăm sóc chuyên biệt, các câu lạc bộ) có sự thống nhất cao, liên kết chặt chẽ và cam kết thực hiện của tổ chức ở các cấp; đặc biệt tại cộng đồng, đối tượng thụ hưởng đa dạng, thu hút sự tham gia của NCT và có lực lượng cộng tác viên phong phú. Tuy nhiên, cũng có những hoạt động chưa hiệu quả khi cam kết của địa phương và phối, kết hợp của các cơ quan chức năng và tổ chức đoàn thể còn chưa cao, do kinh phí hạn hẹp và không được phân bổ qua ngân sách nên các hoạt động vẫn còn hạn chế, nhất là nâng cao kĩ năng cho nhóm thực hiện chăm sóc NCT (Giang Thanh Long, 2013, tr 16). Ngoài ra, các dịch vụ CTXH hỗ trợ NCT (tham vấn tâm lí; cung cấp dịch vụ chăm sóc tại nhà; kết nối, chuyển gửi; vận động nguồn lực; giáo dục, truyền thông; hỗ trợ NCT đối phó với những vấn đề tâm lí xã hội trong cuộc sống). CTXH lão khoa, dịch vụ quản lí trường hợp cho NCT, trung tâm hỗ trợ ban ngày và các dịch vụ thay thế cho NCT, CTXH trong viện dưỡng lão là những khía cạnh có xu hướng phát triển nghề CTXH với NCT hiện nay (Brenda DuBois và Karla Krogsrud Miley, 2019, tr 375). Từ việc tìm hiểu các hình thức chăm sóc NCT, các mô hình CTXH với NCT ở nước ngoài nhằm tham chiếu và tìm kiếm những mô hình chăm sóc NCT ở Việt Nam trong tương lai. VJE Tạp chí Giáo dục, Số 492 (Kì 2 - 12/2020), tr 60-64 ISSN: 2354-0753 64 2.4. Đánh giá nhu cầu và các hoạt động công tác xã hội hỗ trợ người cao tuổi NCT thường có nhiều vấn đề khác nhau, đó có thể là vấn đề liên quan tới sức khỏe, vấn đề về mối quan hệ xã hội hay vấn đề về tâm lí xã hội. Một số NCT lại có khó khăn về tài chính, thiếu người chăm sóc Để giúp NCT giải quyết những vấn đề này, nhân viên CTXH cần thực hiện các đánh giá vấn đề, đánh giá nhu cầu của NCT; trên cơ sở đó mới đưa ra hoạt động trợ giúp giải quyết vấn đề một cách phù hợp. Vì vậy, chúng tôi đề cập tới tiến trình đánh giá vấn đề và nhu cầu của NCT, bao gồm các bước như: - Tiếp cận NCT; - Thu thập thông tin về NCT; - Các nhu cầu của NCT cần được đáp ứng; - Phân tích các yếu tố nguy cơ, yếu tố bảo vệ đối với NCT... Việc xác định và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các vấn đề, nhu cầu khác nhau của thân chủ NCT là rất cần thiết trong quá trình này. Việc đánh giá nhu cầu và các hoạt động CTXH hỗ trợ NCT để từ đó đưa ra hoạt động trợ giúp, giải quyết vấn đề cho NCT phù hợp và hiệu quả. Đây là một trong những nội dung quan trọng của giáo trình CTXH với NCT, bởi đây là nội dung mang tính thực hành nghề nghiệp trong lĩnh vực CTXH với NCT. Trong bối cảnh nguồn tài liệu chuyên ngành hẹp của CTXH còn hạn chế như hiện nay, việc xây dựng đề cương chi tiết học phần CTXH với NCT là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Như vậy, nội dung đề cương chi tiết học phần này gồm 4 chương: - Chương 1: Cơ sở lí luận về NCT; - Chương 2: Vai trò và kĩ năng cơ bản của nhân viên CTXH với NCT; - Chương 3: Các mô hình hỗ trợ NCT; - Chương 4: Đánh giá nhu cầu và các hoạt động CTXH hỗ trợ NCT. 3. Kết luận CTXH trong nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, giúp đỡ HS giải quyết các vấn đề khó khăn trong cuộc sống, nhằm đạt được kết quả học tập tốt nhất và phát huy hết tiềm năng của mình. Xây dựng và phát triển CTXH trong trường học có thể coi là một lựa chọn tất yếu trong tương lai gần của các nhà trường ở Việt Nam. Vì vậy, việc phải nghiên cứu, xây dựng được giáo trình chi tiết cho học phần CTXH với NCT cho các sinh viên chuyên ngành CTXH là thực sự cần thiết. Trên đây là những nội dung cơ bản, cốt lõi, không thể thiếu trong giáo trình giảng dạy học phần CTXH với NCT dành cho sinh viên hệ đại học, ngành CTXH ở Việt Nam hiện nay. Tài liệu tham khảo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2017). Công tác xã hội với người cao tuổi (Tài liệu hướng dẫn thực hành dành cho cán bộ xã hội cấp cơ sở). Bộ Tư pháp (1989). Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân. NXB Tư pháp. Bộ Tư pháp (2010). Luật Người cao tuổi. NXB Tư pháp. Bộ Tư pháp (2012). Luật Lao động. NXB Tư pháp. Brenda DuBois, Karla Krogsrud Miley (2019). Social Work An Empowering Profession (9th edition). Pearson Education. Bùi Thị Xuân Mai (chủ biên, 2012). Giáo trình nhập môn Công tác xã hội. NXB Lao động Xã hội. Giang Thanh Long (2013). Tổng quan các mô hình chăm sóc tại cộng đồng cho người cao tuổi Việt Nam. Hội thảo Khoa học, Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam. Nguyễn Thị Như Trang, Trần Văn Kham (2017). Lí luận về thực hành Công tác xã hội. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. Nguyễn Thị Oanh (2007). Làm việc theo nhóm. NXB Trẻ. Trần Đình Tuấn (2010). Công tác xã hội: Lí thuyết và thực hành. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. Trịnh Duy Luân (2016). Chính sách chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 01, tr 26-30. UNFPA (2012). Báo cáo tóm tắt: Già hóa trong thế kỉ XXI: Thành tựu và thách thức. Quỹ Dân số Liên hợp quốc. Võ Thuấn, Phạm Văn Tư (2018). Tổng quan mô hình công tác xã hội với người cao tuổi ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Đà Lạt, số 4, tr 24-29.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfco_so_thuc_tien_cho_viec_xay_dung_de_cuong_chi_tiet_hoc_phan.pdf
Tài liệu liên quan