Phát huy tính tích cực nhận thức của sinh viên trong dạy học môn “Những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin” qua sử dụng những kĩ thuật dạy học tích cực

That promoting students’ positive perception of in teaching and learning is an important

requirement has been long confirmed in the educational policies of the Party and the State.

Although teachers have made great efforts in applying measures to promote students’ positive

perception, there are still students who are not enough active and self-motivated in their studying.

This article refers to the usage of active teaching techniques to promote students’ positive

perception in teaching the subject Basic principles of Marxism - Leninism at college.

pdf4 trang | Chia sẻ: Thục Anh | Ngày: 13/05/2022 | Lượt xem: 316 | Lượt tải: 0download
Nội dung tài liệu Phát huy tính tích cực nhận thức của sinh viên trong dạy học môn “Những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin” qua sử dụng những kĩ thuật dạy học tích cực, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 8/2018, tr 271-274 271 PHÁT HUY TÍNH TÍCH CỰC NHẬN THỨC CỦA SINH VIÊN TRONG DẠY HỌC MÔN “NHỮNG NGUYÊN LÍ CƠ BẢN CỦA CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN” QUA SỬ DỤNG NHỮNG KĨ THUẬT DẠY HỌC TÍCH CỰC Phạm Đức Minh - Trường Chính trị tỉnh Hải Dương Tạ Thị Thúy Ngân - Trường Cao đẳng Hải Dương Ngày nhận bài: 10/08/2018; ngày sửa chữa: 15/08/2018; ngày duyệt đăng: 22/08/2018. Abstract: That promoting students’ positive perception of in teaching and learning is an important requirement has been long confirmed in the educational policies of the Party and the State. Although teachers have made great efforts in applying measures to promote students’ positive perception, there are still students who are not enough active and self-motivated in their studying. This article refers to the usage of active teaching techniques to promote students’ positive perception in teaching the subject Basic principles of Marxism - Leninism at college. Keywords: Positive perception, basic principles, positive, teaching techniques. 1. Mở đầu Môn Những nguyên lí cơ bản (NNLCB) của chủ nghĩa Mác - Lênin ở trường đại học đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận và xây dựng niềm tin, lí tưởng cách mạng cho sinh viên (SV). Để đạt mục tiêu môn học, giảng viên (GV) cần phát huy tính tích cực nhận thức (TTCNT) của SV. Sử dụng các kĩ thuật dạy học (KTDH) tích cực trong dạy học môn học là biện pháp vô cùng quan trọng làm cho SV tích cực, tự giác, sáng tạo, chủ động học tập; kích thích hứng thú của SV và cũng góp phần cụ thể, đơn giản những kiến thức trừu tượng, khái quát hóa vốn là đặc trưng của môn học. Bài viết đề cập việc phát huy TTCNT của SV trong dạy học môn NNLCB của chủ nghĩa Mác - Lênin qua việc sử dụng những KTDH tích cực. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Vai trò của các kĩ thuật dạy học tích cực với việc phát huy tính tích cực nhận thức của sinh viên trong dạy học môn “Những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin” KTDH là những biện pháp, cách thức hành động của GV và SV trong các tình huống hành động nhỏ nhằm thực hiện và điều khiển quá trình dạy học. KTDH chưa phải là các phương pháp dạy học độc lập mà là những thành phần của phương pháp dạy học. Những KTDH tích cực có vai trò rất quan trọng trong quá trình dạy học nói chung cũng như dạy học môn NNLCB của chủ nghĩa Mác - Lênin nói riêng; có thể phát huy sự tham gia tích cực của SV vào quá trình dạy học, kích thích sự tư duy, sáng tạo và sự cộng tác làm việc của SV, gia tăng hiệu quả tác động đến SV và hoạt động của SV trong học tập môn học; Chẳng hạn, khi dạy về Nguồn gốc xã hội của ý thức (Chương II: Chủ nghĩa duy vật), GV đưa ra 2 câu hỏi: 1) Hãy tìm những câu ca dao, tục ngữ nói về kinh nghiệm sản xuất của cha ông. Những kinh nghiệm này được lưu truyền đến ngày nay bằng cách nào?; 2) Ngôn ngữ có vai trò gì đối với việc hình thành và phát triển ý thức?. 2 câu hỏi trên GV đặt ra cho SV khi bắt đầu tìm hiểu về nguồn gốc xã hội của ý thức. Câu hỏi thứ nhất sẽ huy động kiến thức vốn có của SV về ca dao, tục ngữ và việc lưu truyền ca dao, tục ngữ của ông cha qua ngôn ngữ nói, viết; từ đó, SV suy luận trả lời câu hỏi thứ hai về vai trò của ngôn ngữ đối với ý thức. Bằng cách sử dụng kĩ thuật đặt câu hỏi như trên, bài học sẽ dễ tiếp thu và “lắng” lại sâu hơn trong tâm trí SV. SV không phải ghi chép nhiều, cũng không phải thuộc lòng bài học, nhưng những khái niệm, nguyên lí được cụ thể hoá qua những kĩ thuật dẫn dắt của GV, SV dễ hình dung và ghi nhớ lâu hơn. Từ đó giúp cho việc phát huy TTCNT của SV trong học tập môn NNLCB của chủ nghĩa Mác - Lênin. 2.2. Phát huy tính tích cực nhận thức của sinh viên trong dạy học môn “Những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin” qua việc sử dụng những kĩ thuật dạy học Việc vận dụng các KTDH tích cực vào trong dạy học môn NNLCB của chủ nghĩa Mác - Lênin phải đảm bảo tính linh hoạt, sáng tạo. Nhiệm vụ của GV là trên cơ sở đặc trưng môn học, nội dung bài học, phương pháp dạy học, trình độ của SV mà lựa chọn KTDH phù hợp, hoặc có thể kết hợp linh hoạt các KTDH khác nhau. Không phải bất cứ loại bài nào, đơn vị kiến thức nào cũng áp dụng các KTDH. Có những nội dung GV chỉ cần thuyết trình hoặc để cho SV đọc tài liệu, tự trả lời được câu hỏi nên không nhất thiết phải vận dụng KTDH vào. VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 8/2018, tr 271-274 272 Hiện nay, có rất nhiều kĩ thuật được bàn đến để áp dụng vào dạy học, như: đặt câu hỏi, động não, bể cá, ổ bi, khăn trải bàn, tia chớp, bản đồ tư duy... Bài viết này chỉ đề cập một số KTDH tích cực thường được vận dụng vào dạy học môn NNLCB của chủ nghĩa Mác - Lênin nhằm phát huy TTCNT của SV. 2.2.1. Kĩ thuật đặt câu hỏi Trong quá trình dạy học môn NNLCB của chủ nghĩa Mác - Lênin, GV thường đặt câu hỏi khi sử dụng phương pháp đàm thoại, thảo luận nhóm. Sử dụng câu hỏi có hiệu quả sẽ đem lại sự hiểu biết lẫn nhau giữa GV và SV. Kĩ năng đặt câu hỏi càng tốt thì mức độ tham gia của SV vào bài học càng nhiều; SV sẽ tích cực học tập hơn. Việc đặt câu hỏi phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng câu hỏi và cách ứng xử của GV khi hỏi SV. Trong thực tế giảng dạy của môn NNLCB của chủ nghĩa Mác - Lênin, có GV đặt những câu hỏi nguyên xi như đề mục trong giáo trình, SV chỉ cần nhìn vào đọc ra trả lời. Ngược lại, cũng có những GV đặt câu hỏi quá khó, SV không trả lời được mặc dù đã suy nghĩ. Những loại câu hỏi như vậy không phát huy TTCNT của SV. Để khơi dậy hứng thú, phát huy TTCNT của SV, GV khi đặt câu hỏi cần lưu ý: câu hỏi phải hướng đến việc thực hiện mục tiêu bài học; câu hỏi phải ngắn, gọn, dễ hiểu; câu hỏi phải đúng lúc, đúng chỗ; câu hỏi phải phù hợp với trình độ SV; câu hỏi phải kích thích suy nghĩ của SV; câu hỏi phải sắp xếp từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Trong dạy học môn NNLCB của chủ nghĩa Mác - Lênin, GV thường đặt câu hỏi với các mục đích sau: - Kích thích, dẫn dắt SV suy nghĩ, khám phá tri thức mới, tạo điều kiện cho SV tham gia vào quá trình dạy học: Với loại câu hỏi này, GV thường đặt ra cho SV vào khi bắt đầu giảng dạy về một nội dung kiến thức mới. Loại câu hỏi này GV không nên hỏi để SV chỉ nhắc lại kiến thức trong giáo trình mà cần có sự liên kết với kiến thức cũ, so sánh kiến thức với nhau. Có như vậy mới phát huy được TTCNT của SV. - Kiểm tra, đánh giá kiến thức, kĩ năng của SV: Nếu GV đặt ra câu hỏi kiểm tra, đánh giá kiến thức, kĩ năng của SV bằng cách yêu cầu SV nhớ lại kiến thức đã học thì mới chỉ ở mức độ thấp của tư duy. GV cần nâng dần mức độ kiểm tra bằng cách đưa ra những câu hỏi yêu cầu SV phân tích, vận dụng, đánh giá. Ví dụ, để kiểm tra kiến thức của SV về ý nghĩa phương pháp luận rút ra từ mối quan hệ vật chất - ý thức, GV có thể đưa ra những câu hỏi sau: 1) Phân tích ý nghĩa phương pháp luận rút ra từ mối quan hệ vật chất, ý thức; 2) Liên hệ trong thực tế, có những hiện tượng nào còn vi phạm phương pháp luận trên? 3) Trong nghề nghiệp của mình sau này, anh (chị) cần làm gì để thực hiện phương pháp luận trên? Ba câu hỏi trên được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó, SV không những phải nhớ lại kiến thức mà còn phải liên hệ thực tế, vận dụng vào nghề nghiệp sau này của bản thân. Điều này làm cho SV thấy được tính thiết thực của môn học với nghề nghiệp của mình sau này; từ đó góp phần làm tăng hứng thú học tập của SV. - Thu thập, mở rộng thông tin, kiến thức: Loại câu hỏi này thường GV sẽ mở rộng kiến thức cho SV bằng cách liên hệ lí luận chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tế. Thậm chí yêu cầu SV tập đề xuất những biện pháp giải quyết những vấn đề trong thực tế. Ví dụ, khi dạy về Quy luật giá trị (Chương IV: Học thuyết giá trị), GV đặt câu hỏi để SV mở rộng kiến thức như: Hãy liên hệ những tác động của quy luật giá trị trong nền kinh tế thị trường nước ta hiện nay. Như vậy, trong dạy học môn NNLCB của chủ nghĩa Mác - Lênin, kĩ thuật đặt câu hỏi rất quan trọng đối với GV, nếu hệ thống câu hỏi trong bài dạy của GV được tạo thành một hệ thống logic, vừa giúp SV tái hiện được kiến thức cũ, vừa tìm tòi khám phá tri thức mới, vận dụng tri thức vào thực tiễn, góp phần rất quan trọng vào việc tạo hứng thú học và phát huy TTCNT trong học tập cho SV. 2.2.2. Kĩ thuật động não Động não là kĩ thuật giúp SV trong một thời gian ngắn nảy sinh được nhiều ý tưởng mới, độc đáo về một chủ đề nào đó; các thành viên được cổ vũ tham gia tích cực, không hạn chế các ý tưởng (nhằm tạo ra “cơn lốc” các ý tưởng). Đây là một kĩ thuật dễ thực hiện khi giảng dạy môn NNLCB của chủ nghĩa Mác - Lênin. Với kĩ thuật này, có thể sử dụng được hiệu ứng cộng hưởng, huy động tối đa trí tuệ của tập thể, tạo cơ hội cho tất cả SV tham gia. Từ đó, làm cho SV hăng hái, tích cực tham gia vào nội dung bài học. Tuy nhiên, GV cũng cần chú ý: có thể có 1 số SV quá tích cực, một số khác lại thụ động, vì vậy cần chú ý khích lệ tất cả các SV cùng tham gia. Khi dạy môn này, GV có thể thực hiện kĩ thuật động não theo các bước sau: - GV nêu câu hỏi hoặc vấn đề cần được tìm hiểu trước cả lớp hoặc nhóm: Câu hỏi hoặc vấn đề nêu ra bắt buộc phải có nhiều cách trả lời. GV có thể nêu câu hỏi hoặc vấn đề trong các thời điểm sau: + Dùng trong giai đoạn giới thiệu vào một chủ đề. Ví dụ, khi bắt đầu dạy vào phần Tôn giáo (Chương VIII: Những vấn đề chính trị - xã hội có tính quy luật trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa), GV có thể nêu ra vấn đề: Hãy tìm các biểu hiện của tôn giáo ở nước ta hiện nay. Lúc này, SV có thể nêu ra rất nhiều ý kiến như: Mọi người đi đến nhà thờ vào ngày Nôen; đến chùa vào ngày VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 8/2018, tr 271-274 273 Lễ Phật đản; đến Lễ Bà chúa kho cầu làm ăn tốt; rằm tháng 7 nhà chùa cúng chúng sinh... Trên cơ sở những câu trả lời của SV, GV nêu tầm quan trọng của vấn đề tôn giáo thời kì chủ nghĩa xã hội và đi vào nội dung của bài học. + Sử dụng tìm các phương án giải quyết vấn đề. Ví dụ, khi dạy về Lí luận nhận thức (Chương II: Chủ nghĩa duy vật), GV có thể nêu câu hỏi sau: Hãy tìm và phê phán các hiện tượng vi phạm quan điểm thực tiễn trong giáo dục hiện nay. Đề xuất biện pháp khắc phục những hiện tượng này. + Dùng để thu thập các khả năng lựa chọn và suy nghĩ khác nhau. Ví dụ, khi dạy về quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin về bản chất của con người, GV có thể nêu vấn đề cho SV suy nghĩ: Quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin về bản chất con người được vận dụng vào trong giáo dục hiện nay như thế nào? - Khích lệ SV phát biểu và đóng góp ý kiến càng nhiều ý kiến càng tốt: GV kích thích SV tích cực phát biểu ý kiến, thậm chí định hướng cho SV suy nghĩ. - Liệt kê tất cả mọi ý kiến lên bảng hoặc giấy A0, không trừ ý kiến nào (trừ trường hợp trùng lặp). Chú ý, khi thu thập ý kiến, GV không đánh giá hoặc phê phán các ý kiến để kích thích SV đưa ra ý kiến, kể cả ý kiến sai GV cũng không vội phê phán. - GV phân loại ý kiến. - GV làm sáng tỏ ý kiến chưa rõ ràng. - GV tổng hợp ý kiến của SV và rút ra nhận xét. Như vậy, kĩ thuật động não có thể sử dụng vào trong dạy học môn NNLCB của chủ nghĩa Mác - Lênin khi tiến hành đàm thoại, nêu vấn đề, thảo luận nhóm. Kĩ thuật này rất phù hợp với môn học ở chỗ: Nội dung lí luận của chủ nghĩa Mác - Lênin hiện nay còn có rất nhiều ý kiến khác nhau, việc vận dụng lí luận này vào thực tế cũng có nhiều quan điểm khác nhau, khi sử dụng kĩ thuật động não buộc SV phải bộc lộ những suy nghĩ, ý tưởng của mình; với những suy nghĩ, ý tưởng chưa đúng thì khi thu thập ý kiến GV cũng không được nhận xét ngay mà phải để SV tập suy nghĩ và đưa ra ý kiến riêng của mình. TTCNT của SV được kích thích thông qua những “cơn lốc ý tưởng”. 2.2.3. Kĩ thuật tổ chức “nhóm Rì rầm” Dạy học theo kiểu “nhóm Rì rầm” thực chất là việc ghép 2-3 SV ngồi cạnh nhau thành một nhóm. Có nhiều cách chia khác nhau: theo trình độ học lực, theo sở thích, ngẫu nhiên... Dựa theo đặc thù của lớp học hiện nay, chia theo bàn là thích hợp nhất. Ưu điểm của cách tổ chức nhóm này là không mất thời gian tổ chức, không xáo trộn chỗ ngồi mà vẫn huy động SV cùng làm việc với nhau. Kiểu tổ chức này rất phù hợp với dạy học trong môn NNLCB của chủ nghĩa Mác - Lênin ở các trường đại học hiện nay vì diện tích lớp học nhỏ, số lượng SV đông, việc xê dịch, di chuyển bàn ghế khó. Kĩ thuật này được thực hiện qua các bước: Bước 1: Thành lập nhóm: GV chia lớp thành các nhóm nhỏ, theo bàn khoảng 3-4 SV ngồi cùng bàn. Bước 2: Giao nội dung thảo luận và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ. Bước 3: Tổ chức học nhóm: - SV thảo luận; - Thống nhất ý kiến chung của cả nhóm; - GV lựa chọn một nhóm bất kì, chỉ định 1 SV bất kì trong nhóm báo cáo, các nhóm khác nhận xét, bổ sung ý kiến; - GV kết luận. Trong môn NNLCB của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhóm Rì rầm có thể sử dụng để thảo luận để: - Kiểm tra tự học của SV; - So sánh, đối chiếu để tìm điểm giống nhau giữa các khái niệm, các sự vật, hiện tượng; - Vận dụng kiến thức của chủ nghĩa Mác - Lênin để tìm ưu, khuyết điểm của các cách lựa chọn, giải quyết vấn đề trong thực tiễn. Kĩ thuật tổ chức “nhóm Rì rầm” rất phù hợp với những lớp học đông trong dạy học môn NNLCB của chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng vấn đề đặt ra là với số lượng trong nhóm thường là các SV trong cùng bàn (3-4 SV), thì số lượng nhóm được thành lập rất đông. GV làm thế nào để các nhóm có thể báo cáo kết quả được trong thời gian ngắn trên lớp. Nếu GV chỉ gọi một hai nhóm báo cáo và sau đó yêu cầu nhóm khác bổ sung như khi tổ chức nhóm thông thường khác sẽ bỏ sót rất nhiều nhóm không được báo cáo. GV có thể khắc phục hạn chế này bằng cách có thể gọi nhóm xung phong phát biểu và yêu cầu một số nhóm nhận xét, bổ sung. Để kiểm tra độ xác suất của các nhóm, GV có thể yêu cầu một nhóm bất kì ngoài các nhóm giơ tay phát biểu. Sau đó, GV thu sản phẩm làm việc của các nhóm, về nhà GV xem xét kĩ sản phẩm của từng nhóm, tiết học tiếp theo sẽ đưa ra nhận xét về phần kết quả thảo luận hôm trước của các nhóm. 2.2.4. Kĩ thuật sử dụng bản đồ tư duy Bản đồ tư duy còn gọi là sơ đồ tư duy, lược đồ tư duy,... là hình thức ghi chép nhằm đào sâu hay mở rộng một ý tưởng, hệ thống hóa một chủ đề hay một mạch kiến thức,... bằng cách kết hợp việc sử dụng đồng thời hình ảnh, đường nét, màu sắc, chữ viết với tư duy tích cực và sáng tạo. Đặc biệt, đây là một sơ đồ mở, cùng một chủ đề nhưng mỗi người có thể vẽ một kiểu khác nhau do cách dùng màu sắc, hình ảnh, các cụm từ khác nhau để diễn đạt khác nhau. Do đó, mỗi người có thể tạo nên bản đồ tư duy theo một cách riêng của họ. Việc sử dụng bản đồ tư duy rất phù hợp trong dạy học môn NNLCB của chủ nghĩa Mác - Lênin vì kiến thức của môn học rất trừu tượng, khái quát; nếu sử dụng bản đồ tư duy sẽ hệ thống VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 8/2018, tr 271-274 274 hóa được kiến thức, mặt khác SV được sáng tạo trong việc xây dựng bản đồ tư duy nên sẽ phát huy TTCNT có hiệu quả. Sử dụng bản đồ tư duy trong dạy học môn NNLCB của chủ nghĩa Mác - Lênin có thể được thực hiện theo các bước sau: Bước 1: Chọn nội dung dạy học theo bản đồ tư duy: GV có thể chọn bản đồ tư duy để: - Giới thiệu bài mới: GV có thể đưa ra chủ đề liên quan đến bài học và yêu cầu SV sử dụng bản đồ tư duy để tự liên tưởng đến những hình ảnh, nội dung được cho là liên quan. Từ những sản phẩm của SV, GV có thể dùng để dẫn dắt vào bài mới. - Dạy kiến thức mới: Sử dụng bản đồ tư duy sẽ dễ hơn trong việc phát triển ý tưởng, tìm tòi xây dựng kiến thức mới. Thông thường GV sẽ thực hiện nội dung này thông qua thảo luận nhóm, các nhóm SV sẽ quây quanh một tờ giấy và tùy thích viết/vẽ các nhánh/nội dung đã được phân công theo sự hiểu biết và sở thích của mình mà không bị chi phối và phụ thuộc nhiều bởi nhiệm vụ của các bạn khác trong nhóm. Nhờ sự liên kết các nét vẽ cùng với màu sắc thích hợp và cách diễn đạt riêng của mỗi người, bản đồ tư duy giúp bộ não liên tưởng, liên kết các kiến thức đã học trong sách vở, đã biết trong cuộc sống... để phát triển, mở rộng ý tưởng. Sau khi các thành viên đã hoàn thành nhiệm vụ, trưởng nhóm sẽ tổng kết lại, hội ý và chỉnh sửa theo yêu cầu của bài học và theo ý kiến góp ý của các bạn trong nhóm. GV có nhiệm vụ định hướng và gợi ý cho SV. - Củng cố kiến thức: GV sẽ yêu cầu SV tự mình lập bản đồ tư duy để hệ thống và liên kết các kiến thức mà các em đã được học. Bước 2: SV lập bản đồ tư duy theo nhóm hay cá nhân với gợi ý của GV: - Bắt đầu từ trung tâm với hình ảnh của chủ đề; - Luôn sử dụng màu sắc, vì màu sắc cũng có tác dụng kích thích não như hình ảnh; - Nối các nhánh chính (cấp một) đến hình ảnh trung tâm; nối các nhánh cấp hai đến các nhánh cấp một; - Nối các nhánh cấp ba đến nhánh cấp hai...; - Mỗi từ/ảnh/ý nên đứng độc lập và được nằm trên một đường nối; - Tạo ra một kiểu bản đồ riêng cho mình (kiểu đường kẻ, màu sắc...); - Nên dùng các đường kẻ cong thay vì các đường thẳng vì các đường cong được tổ chức rõ ràng sẽ thu hút được sự chú ý của mắt hơn rất nhiều các đường thẳng buồn tẻ; - Bố trí thông tin đều quanh hình ảnh trung tâm. Bước 3: SV hoặc đại diện của các nhóm SV lên báo cáo, thuyết minh về bản đồ tư duy mà nhóm mình đã thiết lập. Bước 4: SV thảo luận, bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện bản đồ tư duy về kiến thức của bài học đó. GV sẽ là người cố vấn, là trọng tài giúp SV hoàn chỉnh bản đồ tư duy; từ đó dẫn dắt đến kiến thức của bài học. Bước 5: Củng cố kiến thức bằng một bản đồ tư duy mà GV đã chuẩn bị sẵn hoặc một bản đồ tư duy mà cả lớp đã tham gia chỉnh sửa hoàn chỉnh, cho SV lên trình bày, thuyết minh về kiến thức đó. 3. Kết luận Những KTDH tích cực có vai trò rất quan trọng trong quá trình dạy học nói chung và môn NNLCB của chủ nghĩa Mác - Lênin nói riêng. Với những thủ thuật của GV, KTDH làm cho môn học trở nên nhẹ nhàng, sinh động, hứng thú, kích thích tính tích cực, trí sáng tạo của SV; từ đó, phát huy TTCNT của SV trong học tập, từng bước góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước ta hiện nay. Tài liệu tham khảo [1] Doãn Thị Chín - Nguyễn Trọng Phán (2016). Đội ngũ giảng viên lí luận chính trị với việc đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tạp chí Giáo dục lí luận, số 251/10, tr 190-192. [2] Trần Thị Tuyết Oanh (2012, chủ biên). Giáo trình Giáo dục học (tập 1). NXB Đại học Sư phạm. [3] Trương Tất Thắng - Vũ Thị Bích Ngọc (2015). Một số giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy môn chủ nghĩa Mác - Lênin ở các trường đại học hiện nay. Tạp chí Giáo dục lí luận, số 230, tr 106-108. [4] Nguyễn Thạc (chủ biên) - Phạm Thành Nghị (2014). Tâm lí sư phạm đại học. NXB Đại học Sư phạm. [5] Thái Duy Tuyên (2008). Phương pháp dạy học truyền thống và đổi mới. NXB Giáo dục. [6] Bộ GD-ĐT (2012). Giáo trình Những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. NXB Đại học Sư phạm. [7] Nguyễn Lương Bằng (2002). Đổi mới phương pháp giảng dạy lí luận Mác - Lênin ở các trường đại học hiện nay. Tạp chí Lí luận chính trị, số 7, tr 19-25. [8] Ngô Văn Thạo (2008). Phương pháp giảng dạy Lí luận chính trị. NXB Lao động - Xã hội. [9] Trần Thị Anh Đào (chủ biên, 2010). Công tác giáo dục Lí luận chính trị cho sinh viên Việt Nam hiện nay. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật. [10] Vũ Ngọc Am (2009). Một số vấn đề về phương pháp giảng dạy Lí luận chính trị. NXB Thông tấn.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfphat_huy_tinh_tich_cuc_nhan_thuc_cua_sinh_vien_trong_day_hoc.pdf
Tài liệu liên quan