MỞ ĐẦU
Tái tạo không gian ba chiều trên mặt phẳng hai chiều là công việc của ngư¬ời học và sáng tạo nghệ thuật hội hoạ (trong đó có hình hoạ). Sử dụng các thủ pháp diễn tả thông qua đ¬ường nét, hình mảng, đậm nhạt, màu sắc. để tạo không gian cho bài vẽ đòi hỏi một quá trình nghiên cứu, vừa có kiến thức tổng thể, vừa có kỹ năng thực hành cơ bản và sáng tạo.
Máy ảnh chỉ ghi lại một khoảng khắc nhất định của thực tiễn do máy móc thực hiện. Do vậy, máy ảnh có thể giúp ích rất nhiều cho hoạ sỹ trong lấy tài liệu và sáng tạo nghệ thuật, nhưng không thể thay thế đư¬ợc vẽ nghiên cứu bởi vẽ nghiên cứu là cả một quá trình phân tích, tìm tòi của người vẽ trước đối tượng; khám phá và thể hiện cái đẹp của đối t¬ượng thông qua cảm xúc và khả năng của ng¬ười vẽ.
MỤC TIÊU
- Hiểu được khái niệm, nguồn gốc của hình họa; vai trò của môn hình họa đối với sáng tác và học tập các môn học khác, nắm được khái lược chương trình giảng dạy hình họa ở hệ đại học.
- Hiểu được đặc tính, các yếu tố và khả năng biểu đạt của chất liệu vẽ chì trắng đen.
32 trang |
Chia sẻ: Kiên Trung | Ngày: 12/01/2024 | Lượt xem: 197 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang nội dung tài liệu Giáo trình Hoạt họa - Học phần 1, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
đó. Đồng thời thể hiện chính xác các cấu tạo, hình dáng của người mẫu trong mối tương quan sáng tối đậm nhạt chung. Phải diễn tả đúng mẫu với hình dáng vững vàng, lột tả được tinh thần, đặc điểm của mẫu. Đối với ký họa, (dù dáng tĩnh hay dáng động) là ghi chép nhanh hình dáng chung, lược bỏ những chi tiết không cần thiết để tập trung vào diễn tả sâu đặc điểm của cấu tạo và nét mặt cùng một vài chi tiết quan trọng của mẫu. Xuất phát từ hoàn cảnh thực tế và đặc điểm riêng, các hoạ sỹ Việt Nam vẽ ký họa rất tốt. Nhiều bức ký hoạ của các hoạ sỹ như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Hoàng Trầm, Lê Lam, Cổ Tấn Long Châu... đã chứng tỏ khả năng vẽ hình hoạ cơ bản và tác động của hình hoạ trong quá trình thâm nhập thực tế của họ và đó cũng là tiền đề cho các tác phẩm sau này.
Ký hoạ là môn học rất gần gũi với hình hoạ, việc nắm vững cấu trúc hình thể đậm nhạt trong nghiên cứu hình hoạ sẽ giúp ích cho ký hoạ rất nhiều, bởi ở thực tế mọi cảnh vật, con người đều chuyên động và người học phải ghi chép ngay được. Nghiên cứu hình hoạ tốt mới có thể chủ động khi ghi chép, lấy tài liệu tại thực tế để tạo nên những bức tranh phản ánh đề tài muôn màu sắc của xã hội.
- Với điêu khắc:
Vẽ nghiên cứu người và vật trong giới tự nhiên của hình hoạ giúp cho điêu khắc có cách nhìn về hình, khối và tỷ lệ tốt hơn. Hình hoạ nghiên cứu đối tượng trong không gian ba chiều trên mặt phẳng hai chiều, còn chính điêu khắc mới nghiên cứu đối tượng thực tế của không gian ba chiều. Vẽ hình hoạ tốt giúp người học, sáng tạo điêu khắc chủ động, tinh tế hơn trong cách nhìn, cách thể hiện; vững chắc hơn trong nghiên cứu và phân tích. Ngoài ra, khi xây dựng nhân vật, nhà điêu khắc có cơ sở để thể hiện hình, đặc điểm và tình cảm tốt hơn nếu vững vàng về vẽ hình.
Hình hoạ và điêu khắc có mối quan hệ tương hỗ mật thiết với nhau trong học tập và sáng tác nghệ thuật. Chính vì thế các chương trình đào tạo mỹ thuật, dù ở khoa hội hoạ hay đồ hoạ đều có một số giờ điêu khắc để củng cố cách nhìn của hình hoạ. Còn ở ngành điêu khắc, việc học hình hoạ trong chương trình đào tạo là bắt buộc
- Với trang trí:
Vẽ hình tốt sẽ hỗ trợ nhiều cho học trang trí thông qua ghi chép tài liệu thực tế. Việc ghi chép cấu tạo hình thể và nắm bắt đặc điểm của đối tượng giúp cho bài trang trí chủ động, sáng tạo hơn.
Đối với các bài chép hoa lá, chép và cách điệu gà, cá vàng... người vẽ có khả năng khái quát và bắt dáng cụ thể các chi tiết để giúp bài đơn giản, cách điệu thuận lợi hơn. Đối với các bài có tính sáng tạo như tranh cổ động, tranh trang trí... vai trò của hình hoạ lại càng quan trọng, giúp sinh viên có điều kiện bắt dáng nhanh, chính xác và đúng với cấu trúc của đối tượng cần ghi chép.
Hình 31 - "Rideau, Cruchon et Compotier" của danh họa Paul Czanne
Hình 32 - Bài trang trí (sinh viên trường ĐHSP nghệ thuật TW)
- Với các ngành nghệ thuật khác:
Hình hoạ còn tác động trực tiếp hoặc gián tiếp với các ngành nghệ thuật khác như kiến trúc, trang trí điện ảnh, sân khấu, thiết kế mỹ thuật công nghiệp ... thông qua cách nhìn hình, khối, cấu trúc tương quan trong mối quan hệ và ý tưởng của người sáng tạo, thiết kế.
2. Đặc tính của chất liệu vẽ chì đen trắng với các bài vẽ khối cơ bản
2.1. Các yếu tố biểu đạt
2.1.1. Nét
Trong tự nhiên không có nét, mà do qui định của nghề vẽ và người vẽ mà thành. Nét có khả năng biểu lộ tình cảm. Các nét có thể là nét to, nét nhỏ, nét thô, nét mảnh... Nét được sử dụng tuỳ theo đối tượng trong quá trình vẽ để mô tả hình thể, chất liệu và tình cảm. Trong các bài hình hoạ, có thể sử dụng nét đơn hoặc tổ hợp của nhiều nét.
2.1.2. Mảng
Mảng là phần được giới hạn kín trên bề mặt. Có thể sử dụng nhiều nét để tạo mảng. Mảng cũng có khả năng biểu lộ tình cảm và sức thuyết phục như nét. Trong hình hoạ đen trắng, mảng được tạo thành bởi nhiều nét gạch bằng chất liệu chì hoặc than. Do kỹ thuật thể hiện và cách sử dụng hiệu ứng của người vẽ để tạo thành mảng.
2.1.3. Khối
Là biểu hiện về mặt không gian. Trong tự nhiên khối là sự chiếm chỗ. Trong hình hoạ nhờ nét, mảng và đậm nhạt tạo nên cảm giác có không gian hay có chiều sâu trên mặt phẳng. Khối trong hình hoạ có sự biến đổi phức tạp. Vì vậy người vẽ phải biết đơn giản để có thể thể hiện thành công và tạo được ý đồ muốn diễn tả. Tạo nên khối chính, khối phụ, phần nổi bật và phần phụ trợ trên bài vẽ.
2.1.4. Đậm nhạt, sáng tối
Nhờ ánh sáng mà có thể cảm nhận được phần sáng và bóng tối trên các vật - phần khuất của sáng. Trong nghiên cứu hình hoạ, mẫu thường được chiếu sáng ở một phía nên đậm nhạt khá rõ ràng. Trong tự nhiên, mọi vật có màu sắc khi được chiếu sáng nhưng người vẽ phải qui đổi về đậm nhạt của chất chì đen hoặc than và thể hiện được sáng tối. Do vậy, đậm nhạt, sáng tối đôi khi cũng phần nào diễn tả được sắc thái, chất cảm. Hoàn toàn có thể cảm nhận được màu xanh phấn và chất của củ su hào thông qua bài vẽ hình hoạ đen trắng, hay màu trắng và sáng nhưng mờ và khô của chất tượng thạch cao.
Hình 33 - Nguồn sáng chiếu vào vật mẫu tạo thành các độ đậm nhạt khác nhau
2.2. Khả năng biểu đạt của chất liệu chì đen
Chì đen là chất liệu phổ thông, dễ dùng, dễ sử dụng. Có nhiều bài hình hoạ và nhiều trường có dạy vẽ sử dụng chất liệu chì đen khi học hình hoạ đen trắng. Chì đen có khả năng diễn tả đường nét, sáng tối và chất ...
2.2.1. Khả năng diễn tả chất
Trong hình họa chỉ bằng đậm nhạt cùng với sự kết hợp của đường nét, mảng mà mô tả, gợi được cảm giác về chất, tính chất của bề mặt, thậm chí mùi vị...Ví dụ, chất gỗ của cái bàn, chất sành sứ với cảm giác bóng bề mặt và độ cứng, màu vàng óng và cảm giác chua ngọt của quả cam, những nếp gấp mềm mại của vải nền...
2.2.2. Biểu đạt không gian, ánh sáng
Với sự thể hiện đậm nhạt bằng chất chì đen cùng với sự phối hợp của luật xa gần và phép thấu thị, bài vẽ hình hoạ đen trắng gợi được cảm giác về không gian 3 chiều, thấy được chiều sâu. Phân biệt được vật nào đứng trước, vật nào đứng sau, phần nào được chiếu sáng mạnh, phần nào bị khuất trong bóng tối. Thậm chí còn diễn tả được cường độ chiếu sáng. Sâu hơn nữa, có thể phân biệt được ánh sáng trong bài vẽ là tự nhiên hay sáng đèn, ánh sáng buổi sớm mai hay chiều tà... điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào sự cảm nhận tinh tế và tài năng thể hiện các cảm nhận đó trên bài hình hoạ của người vẽ.
Hình 34 - Tranh của Pi-cát-xô
2.2.3. Biểu đạt đặc tính cảm xúc
Cũng chỉ bằng chất liệu chì đen, thông qua đậm nhạt, sáng tối, đường nét và hình thể mà chủ yếu là giải quyết hợp lý tương quan giữa chúng, có thể biểu đạt được các đặc tính cảm xúc rất phong phú trên bài vẽ. Mặc dù không có sự hỗ trợ của màu nhưng tính phong phú và tương phản của sáng tối có thể mô tả được các cung bậc của cảm xúc. Bức tranh Guenicca của Pi-cat-xô là một tác phẩm điển hình cho sự biểu đạt cảm xúc của người vẽ chỉ bằng màu đen trắng. Tinh thần hưng phấn vui vẻ hay trạng thái u buồn ảm đạm, sự thờ ơ, hờ hững đều có thể thể hiện được trên bài vẽ đen trắng nếu như người vẽ cảm nhận được những thể hiện của các cảm xúc đó và chuyển tải nó thành ấn tượng trên bài vẽ thông qua việc giải quyết tương quan sáng tối, đậm nhạt cùng với việc sử dụng đường nét, hình thể thích hợp.
Hình 35 - Guenicca của Pi-cat-xô
2.3. Đặc điểm tâm lý thị giác trong bài vẽ hình hoạ đen trắng
Cảnh vật trong giới tự nhiên xuất hiện trước mắt mọi người như một bức tranh hoàn mỹ với đầy đủ các cung bậc khác nhau của cấu trúc hình khối, màu sắc và độ đậm nhạt... Dường như các vật thể tồn tại trong mối quan hệ chặt chẽ, trật tự theo qui luật nhất định.
Do tính chất sai lệch hình ảnh gây ra bởi góc nhìn và mắt người được coi như một hệ quang bao gồm những thấu kính, hình ảnh không phản ánh đúng kích thước và hình dáng thật của vật thể nên đôi khi nhìn thấy đáy của khối hình trụ là hình tròn lại có hình ô van, mặt của hình vuông lại có hình bình hành... nhưng nhờ tính chất trên, việc diễn tả không gian trên mặt phẳng mới thực hiện được. Một hình ô van hay hình bình hành giúp liên tưởng tới hình tròn hay hình vuông trong không gian, điều này có liên quan với tâm lý thị giác.
Tương tự như vậy, đặc điểm của tâm lý thị giác trong tri giác màu giúp con người liên tưởng đến các màu sắc khác nhau mặc dù chỉ bằng độ đậm nhạt và hướng chiếu sáng trên bài vẽ hình hoạ đen trắng, điều đó giúp người vẽ giải quyết tương quan về màu sắc trên một vật và giữa các vật với nhau. Về chất cảm cũng vậy, bằng hình khối, sự thay đổi độ đậm nhạt và đường nét, bài hình hoạ đen trắng gợi nên cảm giác về các chất cảm khác nhau nhờ những liên tưởng tâm lý thị giác rất tinh tế của con người được xây dựng dựa trên các cảm xúc trải nghiệm trực tiếp. Chất mềm xốp của quả táo, chất của da thịt hay chất thạch cao của tượng đều được gợi tả chỉ bằng những yếu tố trên. Chính vì vậy, sự cảm nhận tinh tế sự chuyển biến của chất liệu dưới tác động của ánh sáng và sự chân thực của hình khối, đường nét là rất quan trọng.
3. Hướng dẫn tự học
Phần học này sử dụng cho toàn bộ môn hình họa trong suốt quá trình đào tạo của sinh viên Mỹ thuật. Đây là chương mở đầu nên nặng về lý thuyết và có tính định hướng chung cho toàn bộ chương trình hình họa trong cả 4,5 năm học. Tùy theo nội dung cụ thể của mỗi chương mà khai thác và vận dụng cho phù hợp. Các phần trong chương này chỉ nêu các kiến thức chính, cơ bản và cần thiết. Do vậy, việc tự học, tự nghiên cứu thêm của sinh viên là rất cần thiết.
3.1. Tìm hiểu thêm để củng cố kiến thức chung
- Để hiểu sâu sắc hơn về nguồn gốc của hình họa cũng như đặc tính của chất liệu vẽ chì đen trắng và đặc điểm tâm lý thị giác trong bài vẽ hình họa đen trắng, sinh viên cần đọc kỹ bài giảng trên và tìm hiểu thêm các tài liệu hướng dẫn, tham khảo về nội dung này trong các sách dạy vẽ hình họa và lịch sử hội họa nói chung. Mạng internet cũng là một kênh có thể cung cấp nhiều thông tin thú vị và hình ảnh minh họa đầy đủ về vấn đề này. Ngoài ra, những kiến thức của các môn học khác có liên quan đến bộ môn hình họa nói chung như mỹ học, lịch sử mỹ thuật cũng cần được củng cố và làm giàu thêm để góp phần liên kết, phát huy tác dụng của các khối kiến thức bổ trợ, nhằm mang lại cái nhìn toàn diện hơn về Hình họa trong chương trình đào tạo sư phạm nói riêng và trong hội họa nói chung.
Tự học để củng cố và mở rộng kiến thức để có thêm thông tin và làm giàu vốn tri trức của mình là việc không thể thiếu đối với sinh viên học hình họa. Bởi cũng như tất cả các môn học khác, Hình họa cũng đòi hỏi một quá trình tự học đầy tính chủ động và tích cực trên cơ sở những nội dung đã được đặt ra của chương trình đào tạo bằng cách nghiên cứu thêm các tài liệu ngoài giáo trình này kết hợp với việc tự học, tự vẽ thêm các bài hình họa để nâng cao khả năng thực hành, tạo nền tảng vững chắc và cơ sở để vươn lên trong nghề nghiệp.
3.2. Phân tích khả năng biểu đạt của chất liệu chì trong các bài hình hoạ và tranh vẽ đen trắng
- Để củng cố kiến thức về khả năng biểu đạt của chất liệu chì trong các bài hình họa và tranh vẽ đen trắng, sinh viên có thể tham khảo thêm các bài mẫu, tranh đen trắng, các bài phân tích tranh và bài vẽ hình họa trong các tài liệu khác. Đối chiếu phân tích của các tác giả với hiệu quả và thể hiện trên bài mẫu cũng như trên bài hình họa tranh đen trắng để phân biệt rõ ràng sự khác biệt và đa dạng của khả năng biểu đạt này, các kỹ thuật cần thiết để đạt được các hiệu quả mong muốn trên tranh và bài vẽ. Từ đó, rút ra được bài học kinh nghiệm cho mình để có thể hiện thực hóa những hiểu biết đó trên các bài vẽ ở các bài học sau. Điều này rất quan trọng vì nhận thức cần đi trước một bước so với các hành động hiện thực hóa các nhận thức đó. Vì vậy, nếu chưa nhận thức được những kiến thức lý thuyết cần thiết về đặc thù của bài vẽ hình họa đen trắng, sinh viên sẽ rất dò dẫm trong khi thể hiện bài vẽ của mình khi chưa có được mục tiêu và định hướng đúng đắn cũng như chưa nhận thức được yêu cầu cụ thể của bài vẽ đặt ra.
- Sau khi tham khảo các bài vẽ, các bài phân tích và đối chiếu với bài vẽ mẫu thì sinh viên cần tập tự phân tích các bài vẽ hình họa mẫu hoặc tranh đen trắng. Việc làm này là rất cần thiết để rèn luyện và tạo nên khả năng độc lập trong tư duy và đánh giá của sinh viên. Đứng trên phương diện cảm nhận của cá nhân với năng lực thẩm mỹ và cảm nhận rất khác nhau của từng người để có cái nhìn khách quan và sự phân tích logic, kỹ thuật trên các bài vẽ mẫu hay tranh đen trắng để từ đó biến những kinh nghiệm gián tiếp đã học được qua các bài viết phân tích của các tác giả thành kiến thức và kinh nghiệm của mình, rồi từ đó được củng cố và làm sâu sắc hơn thông qua các bài vẽ sau này.
- Để chuẩn hóa những kiến thức và kinh nghiệm của sinh viên, giảng viên cần kiểm tra, đánh giá lại những phân tích, bài học rút ra của sinh viên để kịp thời điều chỉnh, nhấn mạnh, bổ sung nếu cần thiết nhằm phát huy tối đa tác dụng của bài tham khảo cũng như hiệu quả của quá trình tự học của sinh viên. Việc làm này có thể không cần tập trung ở ngay bài mở đầu mà có thể được thực hiện đan xen trong quá trình dạy vẽ các bài của chương trình cũng như khi phân tích bài vẽ hoặc các tác phẩm của sinh viên bởi Mỹ thuật là môn học thực hành, do đó phần lý thuyết được đan xen cụ thể vào từng bài vẽ mà không tách bạch, riêng lẻ. Thí dụ, với nội dung những yếu tố nghiên cứu của hình họa, phần lý thuyết chỉ nêu các nội dung cơ bản, khái quát. Tuy nhiên, với từng bài cụ thể, cách vẽ và con người cụ thể, những kiến thức trên được khai thác và ứng dụng, củng cố trong quá trình thực hành.
4. Yêu cầu cần đạt
- Nắm được khái niệm về hình họa; hiểu được nguồn gốc của hình họa thông qua các minh họa; hiểu được vai trò của môn hình họa đối với sáng tác và các môn học khác như điêu khắc, trang trí..., khái lược chương trình giảng dạy hình họa ở hệ cao đẳng.
- Phân biệt được đặc tính, các yếu tố và phân tích được khả năng biểu đạt của chất liệu vẽ chì trắng đen trong các bài vẽ minh họa hình họa.
5. Câu hỏi ôn tập
Câu 1: Tại sao hình họa là môn học cơ bản của hội họa ? Vai trò của hình họa trong học tập và nghiên cứu đối với sinh viên Sư phạm Mỹ thuật?
Câu 2: Hãy phân biệt hình khối trong tự nhiên và hình khối trong mỹ thuật?
Câu 3: Hãy trình bày khái niệm và nguồn gốc của hội họa nói chung và hình họa nói riêng ?
Câu 4: Nêu các yếu tố để nghiên cứu hình họa?
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Ngọc Dũng, Học vẽ người, nhà xuất bản Mỹ thuật, 1999
2. Triệu Khắc Lễ, Hình hoạ, Nhà xuất bản đại học Sư phạm, 2003
3. Triệu Khắc Lễ, Hình hoạ và Điêu khắc (Giáo trình đào tạo giáo viên) tập 1, 2 - Nhà xuất bản Giáo dục, 2004
4. Lê Thanh Lộc, Hội họa căn bản – vẽ người, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin
5. Phạm Viết Song, Tự học vẽ - Nhà xuất bản Giáo dục, 1988
6. Đặng Ngọc Trân, Cấu trúc hội hoạ, Nhà xuất bản Mỹ thuật, 2002
7. Doãn Truyền (biên dịch), Vẽ phác và vẽ nét- Nhà xuất bản Hải phòng, 2001
8. Nguyễn Văn Tỵ, Bước đầu học vẽ - Nhà xuất bản Văn hoá, 1988
9. Nguyễn Văn Tỵ, Tự học vẽ hình họa căn bản , Nhà xuất bản Văn hóa thông tin 2004
10. Ocvirk – Stinson – Wigg – Bone – Cayton, Những nền tảng của mỹ thuật, Nhà xuất bản Mỹ thuật 2006
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- giao_trinh_hoat_hoa_hoc_phan_1.doc